1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Tắc ruột vì ăn nhiều quả rừng

(Dân trí) - Do ăn nhiều quả “ngão” (một loại quả giống như quả sung nhưng kích thước to gấp 3 lần quả sung), bà N.T.G (82 tuổi, Hải Hạ, Phú Thọ) đã bị tắc ruột, phải mổ cấp cứu.

PGS. TS Triệu Triều Dương, Chủ nhiệm khoa Ngoại Tổng hợp (BV Trung ương Quân đội 108) cho biết, bệnh nhân này nhập viện ngày 16/7/2012 trong tình trạng đau thượng vị, nôn khi đau, bụng chướng hơi, suy thận và đang dùng đơn thuốc điều trị bệnh viêm dạ dày thực quản do trào ngược.

Trước khi được chuyển đến BV TƯ Quân đội 108, ngày 6/7, bệnh nhân này đã có tiệu chứng đau bụng kèm theo nôn nhiều nhưng chỉ tự điều trị ở nhà. Đến khi tình trạng không đỡ, ngày 13/7/2012 gia đình mới đưa đi khám tại BV Đại học Y Hà Nội, được chẩn đoán Nội soi là viêm dạ dày. Siêu âm thấy tăng nhu động ruột. Sau 3 ngày bệnh nhân được chuyển vào điều trị tại một khoa nội BVTƯ Quân đội 108 nhưng tình trạng vẫn không tốt hơn.

“Các xét nghiệm siêu âm, chụp X quang, chụp CT ổ bụng nhưng không phát hiện tổn thương gì khác. Trong khi tình trạng bệnh nhân không đỡ. Nghiên cứu bệnh sử và tiền sử cho thấy bệnh nhân có thói quen hàng ngày ăn quả Ngão (gia đình có cây ngão, quả ngão trông giống như quả sung, kích thước to gấp 3 quả sung. Nghi ngờ dấu hiệu bán tắc của tiểu tràng do quả ngão gây nên, chúng tôi đã cho chụp CT 64”, TS Dương nói.

Sau khi xác định tình trạng tắc ruột do khối bã thức ăn, ngày 27/7/2012 PGS TS Triệu Triều Dương cùng thạc sỹ Lê Văn Lợi và Bs CKII Đào Tấn Lực đã tiến hành phẫu thuật nội soi, kiểm tra và xác định một khối bã thức ăn đường kính 4x6cm và đã lấy khối bã thức ăn khỏi lòng ruột, lập lại lưu thông tiêu hoá... và bệnh nhân đã được xuất viện sau 7 ngày.

Phòng tắc ruột như thế nào?

TS Dương cho biết, tắc ruột do u bã thức ăn thường gặp hơn ở trẻ em và người già. Ngoài yếu tố do thức ăn không được nghiền nát trước khi di chuyển vào dạ dày và đường tiêu hoá mà còn phụ thuộc vào thói quen ăn, đặc điểm từng loại thực phẩm...

“U bã thức ăn thường hình thành khi thực phẩm có nhiều chất tanin như hồng xiêm, hồng ngâm, sung, ổi và thức ăn có nhiều chất bã xơ như măng, cam, bưởi, quýt, mít, ngô... Đặc biệt lưu ý nếu ăn khi đói, dạ dày còn trống rỗng, nồng độ HCl cao, hoa quả có nhiều pectin và nhựa dễ bị kết tủa làm kết dính các sợi xơ thực vật, tạo thành khối bã rắn chắc”, TS Dương nói.

Ở trường hợp bệnh nhân này, bệnh nhân có thói quen dùng quá nhiều măng, chè tươi và rau muống là những thực phẩm vốn rất nhiều sợi cellulose dài, không tan trong nước. Đặc biệt hơn bệnh nhân thường xuyên ăn quả Ngão, quả chứa rất nhiều tanin. Bên cạnh đó tuổi già răng miệng kém, có bệnh đường tiêu hóa nên khối sợi xơ không tan trong nước này đã tích tụ và quyện vào nhau tạo thành u bã thức ăn, gây tắc ruột non.

“Thời điểm ăn, loại thực phẩm và thói quen ăn quá nhanh, nhai không kỹ là một trong những nguyên nhân mang tính nguy cơ gây tắc ruột do bã thức ăn. Vì thế, để dự phòng nguy cơ tạo khối bã thức ăn đường tiêu hóa, cần lưu ý cách ăn uống cho người cao tuổi và trẻ nhỏ: thức ăn phải nấu chín, ninh nhừ... Khi ăn phải nhai kỹ, không ăn quá nhanh hoặc nuốt chửng, thức ăn không quá nhiều rau quả có tanin và hàm lượng chất xơ cao, nhất là những người có tiền sử bệnh lý răng miệng, bệnh đường tiêu hoá hay đã phẫu thuật dạ dày, ruột...", TS Dương khuyến cáo.

Tú Anh