Tác dụng phụ lâu dài của xạ trị là gì?
(Dân trí) - Xạ trị ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh cũng như các tế bào ung thư. Vì lý do này, những người đang xạ trị có thể có các tác dụng phụ ngắn hạn và dài hạn trong và sau khi điều trị.
Xạ trị là phương pháp điều trị sử dụng liều lượng bức xạ cao để tiêu diệt tế bào ung thư và thu nhỏ khối u. Xạ trị làm hỏng DNA bên trong tế bào, có thể dẫn đến các tác dụng phụ lâu dài.
Các tác dụng cụ thể có thể phụ thuộc vào vị trí và liều lượng của xạ trị. Một số ví dụ về tác dụng phụ lâu dài bao gồm:
Suy giáp
Tuyến giáp là một tuyến hình bướm nhỏ nằm ở phía trước cổ. Nó tạo ra các hormone điều chỉnh nhiều chức năng, bao gồm: thân nhiệt, nhịp tim, sự trao đổi chất, tăng trưởng xương, chức năng cơ.
Xạ trị vùng đầu hoặc cổ đôi khi có thể gây ra suy giáp - nghĩa là tuyến giáp không sản xuất đủ hormone. Các chuyên gia ước tính rằng 19-45% bệnh nhân bị suy giáp sau khi trải qua xạ trị vì ung thư mũi, họng, đầu và cổ.
Một nghiên cứu năm 2018 ở 56 người bị ung thư biểu mô vòm họng cho thấy trung bình, tuyến giáp của những người tham gia co lại tới 39,8% và lượng hormone tuyến giáp của họ giảm 21,5% trong vòng 30 tháng sau khi kết thúc xạ trị.
Tuy nhiên, sau 36 tháng, tuyến giáp của những người tham gia ngừng co lại và mức độ hormone của họ ổn định.
Thay đổi nhận thức
Một người được xạ trị để điều trị khối u não có thể bị thay đổi nhận thức lâu dài, chẳng hạn như: giảm tốc độ xử lý, thay đổi trong sự chú ý và sự tập trung, giảm trí nhớ…
Các vấn đề về cơ xương khớp
Xạ trị có thể làm suy yếu xương, dẫn đến loãng xương và tăng nguy cơ gãy xương.
Bức xạ cũng có thể làm cho các tế bào cơ xấu đi, dẫn đến: suy nhược cơ bắp, yếu cơ, đau cục bộ, ung thư thứ cấp.
Tăng khả năng mắc bệnh ung thư thứ 2
Xạ trị làm thay đổi DNA bên trong tế bào, điều này có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư của một người.
Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, việc tiếp xúc với bức xạ trước đây là một yếu tố nguy cơ đáng kể đối với hầu hết các loại bệnh bạch cầu. Rất khó để dự đoán liệu một người có phát triển ung thư thứ phát sau khi nhận xạ trị hay không.
Tuy nhiên, các yếu tố sau có thể làm tăng nguy cơ:
- Tuổi tác: Những người trẻ hơn trải qua xạ trị có thể có nguy cơ cao hơn phát triển khối u thứ cấp vài năm sau khi hoàn thành điều trị.
- Liều lượng: Nguy cơ phát triển ung thư tăng lên với liều lượng bức xạ cao hơn.
- Khu vực tiếp xúc: Một số cơ quan dễ bị ung thư thứ phát hơn do xạ trị, bao gồm da và vú.