Tá hỏa thịt luộc để qua đêm chuyển màu hồng
Chỉ sau một đêm, phần thịtluộc còn dư từ tối hôm qua bỗng chuyển sang màu hồng. Hiện tượng này khiến người tiêu dùng thấy hoang mang.
Chị Nguyễn Thị Trà (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết vào tối 2-11, chị có ghé chợ gần nhà để mua thịt, đây là chỗ chị vẫn thường hay mua. Khi mua, chị có đưa thịt lên ngửi, không hề phát hiện thịt có mùi bất thường.
Đem thịt về luộc, chị cẩn thận cắt miếng thịt ra kiểm tra không còn dấu máu mới tắt bếp. Sáng ra, chị vẫn thấy thịt có màu bình thường, không ngờ trưa về thấy thịt chuyển sang màu hồng tươi, bốc mùi hôi thối.
Chị hoang mang: “Mình sống một mình nên đồ ăn thường để qua ngày mới hết, kể cả thịt luộc. Trước giờ, cùng lắm thịt chỉ bị mùi thôi, đây là lần đầu tiên mình mới thấy vậy”.
Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội, số thịt chị Trà đã sử dụng có khả năng bị vi sinh vật tấn công do khâu bảo quản thực phẩm không tốt.
Muốn biết đó là vi sinh vật nào thì cần phải đem đi phân tích, kiểm tra mới có thể biết chính xác được. Vi sinh vật có mặt ở khắp mọi nơi, có khả năng khu vực bếp ăn của chị Trà có vi sinh vật lơ lửng “nhảy dù” vào thực phẩm, bản thân miếng thịt không có phản ứng biến màu được.
Vi sinh vật gây tác hại có rất nhiều loại, có thể gây nhiễm bẩn đường ruột, gan, gây ảnh hưởng cho não, thận... Vi sinh vật gây biến màu thực phẩm là loại có nhiều độc tố nhất, có thể tích tụ trong cơ thể gây ra bệnh ung thư, con nít không lớn được, phụ nữ vô sinh...
Vi sinh vật phổ biến nhất là E.coli, không gây biến màu thực phẩm nên khó phát hiện, loại này thường gây tiêu chảy. Về nguyên tắc, khi thấy thực phẩm đổi màu hoặc có mùi bất thường, có sợi nấm mốc phát triển hoặc có bất kỳ nghi ngờ gì thì không nên ăn.
PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo người dân cần phải vệ sinh cá nhân tốt, ăn chín, uống sôi, bảo quản thực phẩm theo đúng quy trình để tránh vi sinh vật tấn công gây nhiễm khuẩn.
Ông Thịnh khuyên người dân nên chọn mua thịt đảm bảo sạch, giết mổ trong điều kiện lợn không nhiễm bệnh, nhiễm ký sinh trùng sẽ bảo quản được lâu hơn. “Thịt mua về phải rửa đi, để ráo nước, cho vào trong hộp, túi bằng chất dẻo sạch rồi cất trong tủ lạnh, với nhiệt độ thông thường là -12 độ C. Trong điều kiện này, có thể bảo quản thịt được một tuần đến ba tuần, chẳng may thịt nhiễm vi khuẩn thì cũng được một tuần”, ông Thịnh hướng dẫn.
Ông Thịnh lưu ý khi lấy miếng thịt ra khỏi tủ lạnh thì sẽ rất chóng hỏng, vi sinh vật rất thích tấn công và phát triển nhanh trong phần nước dinh dưỡng chảy ra từ thịt hay cá khi rã đông. Do đó, khi mang ra rã đông thì chừng 1,2 tiếng sau phải nấu ăn ngay, không được để quá lâu. Đối với thịt đã luộc rồi thì chỉ nên ăn hết trong vòng 1-2 tiếng vì rất dễ bị vi sinh vật tấn công gây hỏng hơn miếng thịt lúc sống.
Theo Hoàng Lan
PLTPHCM