Suýt chết vì chữa hóc xương cá bằng mẹo
(Dân trí) - Bị hóc xương cá khi đang ăn cơm, bà H.T.N (60 tuổi ở Từ Liêm, Hà Nội) vội vàng xoay tròn mâm, lấy đũa gõ vào đầu... rồi theo lời người hàng xóm, bà ăn bẹ chuối non, nào ngờ chỉ càng làm vùng họng đau dữ dội.
Trăm kiểu chữa hóc bằng mẹo
Sáng 6/8, bà được gia đình đưa đến BV Bạch Mai trong tình trạng đau dữ đội vùng cổ họng, đau lan lên hai bên mang tai và đau đầu. Kết quả nội soi dạ dày cho thấy ở thực quản, tại đoạn 1/3 trên có mảnh xương cá dẹt, to mắc kẹt gây tổn thương thực quản, chảy máu. Đây chính là nguyên nhân khiến bệnh nhân đau đớn, khó chịu. Các bác sĩ đã tiến hành nội soi lấy dị vật. Sau lấy dị vật, bà H dễ chịu ngay và được xuất viện ngay.
Trong khi bác sĩ chỉ mất khoảng 30 phút để nội soi lấy dị vật thì hành trình bà H chữa hóc xương cá bằng mẹo mất gần một ngày trời, với đủ thứ loại mẹo, ai mách gì làm đó.
Theo lời kể của bà H, hôm 5/8, sau ăn cơm cá, bà H thấy vướng ở cổ, nghĩ mình bị hóc xương cá nên bà đã xoay tròn mâm, lấy đũa gõ vào đầu, ăn miếng cơm to, rồi uống liền 3 cốc nước để đẩy xương cá xuống dạ dày. Nhưng cái xương cá cứng đầu vẫn ở nguyên một chỗ, bà vẫn cảm thấy vướng víu nên tiếp tục ăn một quả na, chỉ bỏ hạt rồi cắn cả miếng to, nuốt chửng với hi vọng na sẽ cuốn theo xương cá đi nhưng vẫn không có tác dụng.
Lại nghe hàng xóm mách, lấy bẹ chuối non nhai mà hóc vẫn hoàn hóc. Không chỉ thấy vướng ở cổ, lúc này bà khó chịu, ho khạc liên tục và đau nhức dữ dội ở vùng cổ họng, hai bên mang tai và đau đầu, gia đình vội vàng đưa vào BV Bạch Mai khám.
ThS. Hoàng Đình Ngọc, Phó giám đốc BV Tai - Mũi - Họng TƯ cho biết, bệnh viện cũng từng cấp cứu một bệnh nhân suýt chết vì chữa hóc bằng mẹo ở Bắc Ninh. Bệnh nhân này bị hóc khi ngậm một loại quả ngâm của Trung Quốc để chữa ho nhưng vô tình bị sặc và nuốt tụt cả quả này xuống họng. Khi qua cơn sặc, dù thấy hơi khó thở nhưng thay vì đến viện, bà gọi cho một thầy ở Thanh Hóa chuyên chữa hóc bằng mẹo… nói điện thoại. Nói chuyện với thầy một hồi, bà thấy ổn nên yên tâm ở nhà, nhưng đến đêm, bà bị khó thở, da tím tái, lúc này gia đình mới vội cho đi viện.
Theo BS Ngọc, lúc đầu bệnh nhân chỉ thấy hơi khó thở và cảm giác đỡ hơn, có thể là do dị vật kẹt ở đường thở, sau đó, dị vật rơi xuống phế quản nên bệnh nhân cảm thấy đỡ hơn lúc đó. Tuy nhiên, khi bị rơi xuống phế quản, dị vật gây phản ứng tại chỗ làm bị viêm nhiễm, tiết dịch hoặc có thể gây áp xe tại chỗ, khiến bệnh nhân bị khó thở, suy hô hấp.
BS Ngọc khẳng định, không có cơ sở khoa học để nói rằng“mẹo” chữa được hóc hoặc có thì cũng chỉ là may mắn. Vì thế, khi bị hóc, cần tới ngay viện để được can thiệp sớm nhất. Không ít các trường hợp sau 2 - 3 năm liên tục bị ho dai dẳng, viêm phổi tái phát mới phát hiện có dị vật bị bỏ quên ở thùy phổi nên điều trị nội khoa không thể khỏi. Chỉ khi gắp được dị vật ra, tình trạng sức khoẻ người bệnh mới trở về bình thường.
Nguy hiểm đến tính mạng
BS Ngọc cho biết, hầu hết người bệnh khi bị hóc đều không đến viện ngay mà chữa mẹo, nhất là người lớn tuổi càng ngại đến viện vì sợ mang tiếng là tham ăn nên hóc. Như trường hợp này, bà H. nuốt đủ thứ để xương cá trôi xuống, nhưng chỉ đẩy xương cá xuống sâu hơn, cắm sâu vào thực quản nên việc lấy ra khó khăn hơn rất nhiều so với hóc ngay tại vùng họng. Chưa kể, rất nguy hiểm đến tính mạng nếu xương cá cắm vào động mạch.
Trước đó, năm 2009 tại BV Việt Đức, bệnh nhân L.T.P (23 tuổi ở Diễn Ngọc, Diễn Châu, Nghệ An cũng bị tử vong vì hóc xương cá. Khi bị hóc, do không thấy vướng víu vùng cổ nên chủ quan anh cũng không đi khám. Nhưng 6 ngày sau bị hóc, anh P có dấu hiệu đau tức ngực nên gia đình đã chuyển đến viện Diễn Châu (Nghệ An), rồi được chuyển ra bệnh viện Việt Đức (Hà Nội).
Dù ở thời điểm nhập viện, dù đau vùng mũi ức nhưng anh P rất tỉnh táo, không sốt, huyết áp ổn định, không bị sưng nề phổi, không bị khó thở. Tuy nhiên ngay sau đó, bệnh nhân đột ngột bị nôn ra máu đỏ tươi không thể cầm được, với số lượng rất nhiều. Khám thấy bệnh nhân mạch nhanh, nhỏ, huyết áp không đo được. Các bác sĩ đã cố gắng hồi sức tích cực nhưng không có kết quả, bệnh nhân P đã tử vong do bị vỡ động mạch chủ vì hóc xương cá ngày thứ 6, bị áp xe trung thất.
“Mọi dị vật đều nguy hiểm. Riêng với hóc xương cá, vì xương cá có đầu nhọn, khi hóc ở thực quản, nếu cố gắng khạc ra ngoài hay dùng mọi mẹo để đẩy xương cá xuống dạ dày thì còn có nguy cơ khiến xương cá chui ra khỏi thực quản (do có độ sắc nhọn) cắm vào mạch máu, vì thực quản nằm sát với mạch máu lớn. Nếu xương cá làm thủng mạch máu, bệnh nhân có thể tử vong. Vì thế, khi bị hóc xương cá hay bất cứ dị vật gì người dân cần đi khám bác sĩ để lấy dị vật tránh biến chứng nặng”, BS Ngọc cảnh báo.
Hồng Hải