Suýt chết vì “bác sĩ Google”

Việc lên internet tra thông tin về bệnh rồi tự chữa theo tư vấn của cư dân mạng coi chừng gặp biến chứng khó lường.

Thời gian gần đây, nhiều bệnh viện liên tục tiếp nhận những ca biến chứng do bệnh nhân lướt web tìm thông tin về bệnh rồi tự chữa trước khi đến bác sĩ khám.

Rước họa vì tin “bác sĩ mạng”

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết mới đây, một bệnh nhi 7 tháng tuổi đã nhập viện trong tình trạng suy hô hấp do hen dị ứng sau khi được mẹ và “bác sĩ mạng” điều trị gần 1 tuần.

Khi mắc bệnh, người dân nên tìm đến bệnh viện hay bác sĩ để
có những lời khuyên thích hợp
Khi mắc bệnh, người dân nên tìm đến bệnh viện hay bác sĩ để có những lời khuyên thích hợp

Theo mẹ cháu bé, thấy con húng hắng ho, chị lên Google tra các triệu chứng, kể bệnh trên diễn đàn rồi cho con uống và xông thuốc theo kinh nghiệm của những bà mẹ khác. Sau một lần cho con uống thuốc theo hướng dẫn, bất ngờ bé lên cơn ho dữ dội, người tím tái, khó thở… Lúc này, cả nhà mới cuống cuồng đưa bé vào bệnh viện.

Theo TS Dũng, ho ở trẻ có thể là triệu chứng của viêm họng, viêm phế quản hoặc nhiễm virus cúm… Tuy nhiên, hễ trẻ ho là được cha mẹ “quy” cho viêm họng nên tự ý mua kháng sinh, kháng viêm, long đờm về chữa; trong khi không phải chứng ho nào cũng chữa được bằng kháng sinh.

Bác sĩ Dũng cho biết có đến 60-70% các bà mẹ trước khi đưa con đến bác sĩ đã tùy tiện cho trẻ uống một loại thuốc nào đó mà theo họ là kinh nghiệm từ những lần điều trị trước, tư vấn của bạn hoặc của cộng đồng mạng. “Không ít bà mẹ thấy con mọc răng lại húng hắng ho và sốt, thay vì đưa đến các cơ sở khám bệnh lại lên mạng hỏi ý kiến người khác. Yên tâm với hàng loạt gợi ý của các “tiền bối” nên có những trẻ nhập viện đã rơi vào tình trạng nguy hiểm” - TS Dũng nêu ví dụ.

Theo bác sĩ Hoàng Bùi Hải, Trưởng Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, ngày nay, “phòng khám” của “bác sĩ Google” là nơi quen thuộc của nhiều người. Tuy nhiên, vì quá tin “bác sĩ” này mà không ít bệnh nhân suýt chết.

“Đã có những bệnh nhân nhập viện trong tình trạng xuất huyết tiêu hóa do tùy tiện sử dụng các thuốc chống viêm theo chỉ dẫn trên mạng. Phổ biến nhất là những bệnh nhân đau khớp, họ rất hay tự chữa bằng “bờ rét” - một loại thuốc chứa corticoid có tác dụng giảm đau rất nhanh nhưng tác dụng phụ là suy thận, loãng xương, tăng huyết áp nếu không được sử dụng đúng cách” - bác sĩ Hải khuyến cáo.

Lợi thì có lợi nhưng…

Theo giới chuyên môn, có những loại thuốc tưởng rất “hiền” và khá quen thuộc với mọi người như các vitamin hay dịch truyền nhưng nếu sử dụng không đúng cách cũng trở nên nguy hiểm. Chẳng hạn, nhiều bà mẹ thấy con rụng tóc, lên mạng tra thì “bác sĩ Google” kết luận còi xương liền vội vàng mua vitamin D liều cao về cho con uống. Kết quả sau một thời gian, bé trở nên mệt mỏi, chán ăn, nôn, đầu to, gối to... Đưa con đi khám thì cha mẹ mới biết cháu bị ngộ độc do thừa vitamin D.

“Bác sĩ Google” thực tế đã giúp nhiều người bổ sung kiến thức về chăm sóc sức khỏe, giảm lo lắng trước khi tìm đến lời khuyên thích hợp từ thầy thuốc. Tuy nhiên, bác sĩ Hải lưu ý kiến thức trên mạng chỉ để tham khảo hoặc để biết được bệnh gì đó thì khám ở đâu, bệnh viện nào… Hơn nữa, mỗi cơ thể con người là một sự khác biệt, cần phải có sự chẩn đoán của giới chuyên môn mới áp dụng các phương pháp điều trị. “Nếu muốn tìm kiếm thông tin về sức khỏe, các bậc cha mẹ có con nhỏ nên truy cập website của các bệnh viện hoặc các trang mạng do chính bác sĩ tư vấn” - bác sĩ Hải khuyên.

Cẩn thận với “nhà thuốc” trên mạng

Những “nhà thuốc” trên mạng cũng rất “đắt hàng” bởi nhiều loại buộc phải kê đơn như thuốc rối loạn cương dương, an thần, giảm đau… được rao bán công khai. Bác sĩ Trịnh Hoàng Giang - Trung tâm Nam học Bệnh viện Việt Đức - cho biết không ít “quý ông” đã nhập viện với những biến chứng nguy hiểm sau khi mua và sử dụng thuốc kích dục được quảng cáo trên mạng. Theo nhiều bác sĩ, đa phần thuốc kích dục được rao bán trên mạng là giả hoặc không rõ nguồn gốc.

Theo Ngọc Dung

Người lao động