Sưng lưỡi là dấu hiệu của bệnh gì?
(Dân trí) - Lưỡi là một bộ phận khá quan trọng, giúp chúng ta nếm và nuốt thức ăn, trò chuyện và la mắng. Nhưng có lẽ bạn không nghĩ nhiều dến tầm quan trọng của lưỡi cho đến khi có điều gì đó xảy ra với nó, ví dụ như khi nó bị sưng lên.
Sẽ không mất nhiều thời gian để nhận thấy lưỡi đột nhiên bị quá to so với miệng. Bản năng đầu tiên của bạn có thể là hốt hoảng, nhưng đừng sợ: Sưng lưỡi có thể do nhiều vấn đề khác nhau gây ra, hầu hết đều sẽ tự khỏi và không nghiêm trọng.
Tuy nhiên, nếu sưng xảy ra nhanh chóng, hoặc nghiêm trọng và kèm theo co thắt họng, khó thở và chóng mặt hoặc cảm thấy ngất xỉu, thì bạn nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay, vì đó có thể là dấu hiệu của tình huống đe dọa đến tính mạng.
Tương tự, nếu sưng lưỡi kéo dài (10 ngày hoặc lâu hơn), nặng lên hoặc bạn gặp phải các triệu chứng liên quan khác, chẳng hạn như mệt mỏi, đau hoặc sốt, thì chắc chắn nên đến bác sĩ để kiểm tra.
Dưới đây, các bác sĩ chia sẻ về 10 thủ phạm có thể gây sưng lưỡi.
1. Lưỡi đang hồi phục sau chấn thương.
Lưỡi dễ bị tổn thương do răng, do vô tình hoặc bắt buộc cắn vào lưỡi, cạnh sắc nhọn của răng bị gãy và do điều trị nha khoa như niềng răng, răng giả và mảng trám răng xù xì. Những mảnh thức ăn nóng hoặc sắc nhọn cũng có thể gây kích ứng lưỡi và sưng lưỡi, đặc biệt nếu những món ăn đó có tính axit (như kẹo chua cứng) hoặc nóng và cay (ớt và cà ri).
Giải pháp rõ ràng là giải quyết yếu tố gây sưng lưỡi (trong một số trường hợp có thể cần sự trợ giúp từ bác sĩ nha khoa), đồng thời làm dịu vết thương bằng cách ngậm đá lanh, uống ibuprofen và sử dụng nước súc miệng dịu nhẹ để ngăn ngừa nhiễm trùng.
2. Nước súc miệng có thể gây ra vấn đề.
Một số thành phần kem đánh răng và nước súc miệng có thể gây sưng lưỡi kéo dài cho đến khi bạn ngừng sử dụng thành phần gây kích ứng. Thủ phạm phổ biến nhất gây viêm da tiếp xúc ở miệng? Hydrogen peroxide (làm trắng răng), cồn (nước súc miệng), baking soda (kem đánh răng) và cinnamates (kẹo cao su).
Nếu bạn không chắc chắn thành phần nào khiến lưỡi bị sưng, bác sĩ da liễu thực hiện test miếng dán dị ứng để loại trừ.
3. Sưng lưỡi là dấu hiệu của phản ứng dị ứng.
Phản ứng dị ứng là do hệ miễn dịch phản ứng thái quá với thứ gì đó mà nó tiếp xúc. Hãy nghĩ đến trái cây, các loại hạt vỏ cứng, động vật thân mềm có vỏ, sữa, hoặc thậm chí là vết đốt của côn trùng. Phản ứng dị ứng bao gồm giải phóng histamin, co mạch máu nhỏ và ứ dịch trong các mô. Khi dị ứng gây sưng lưỡi, môi và mặt, nó được gọi là phù mạch.
Phản ứng dị ứng có thể được điều trị bằng thuốc kháng histamin hoặc steroid đường uống. Phản ứng nghiêm trọng có thể gây co thắt hơi thở, đó là lý do tại sao những người có thể bị dị ứng với những loại thực phẩm hoặc vết đốt côn trùng cụ thể phải mang EpiPen và sử dụng thuốc ngay lập tức.
Nếu bạn hoặc ai đó ở gần bạn gặp phải dấu hiệu của phản ứng dị ứng đe dọa tính mạng, bao gồm sưng lưỡi, cần gọi cấp cứu ngay.
4. … hoặc là tác dụng phụ của một số thuốc.
Các thuốc nổi tiếng nhất về gây ra phản ứng dị ứng – kèm theo sưng lưỡi – là các thuốc huyết áp thuộc nhóm thuốc ức chế ACE-I. Những thuốc này có thể gây sưng lưỡi đe dọa tính mạng, và không nhất thiết sẽ xảy ra ngay lần đầu tiên dùng thuốc.
Các thuốc chống viêm (như aspirin và ibuprofen) và kháng sinh (penicillin, thuốc chống vi rút), cũng có thể gây ra phản ứng dị ứng. Nếu bị, điều quan trọng là phải dừng thuốc ngay. Tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức, và tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, có thể bao gồm thuốc kháng histamin, steroid và adrenalin tiêm bắp.
5. Thiếu vitamin có thể là thủ phạm
Thiếu vitamin B12 và folat có thể khiến lưỡi bị sưng, đỏ, trông giống như thịt bò, có thể kèm theo ngứa ran ở bàn tay bàn chân, mệt mỏi và suy nhược. Trong khi thiếu sắt có thể khiến lưỡi bị đau, trơn nhẵn và nhợt nhạt, cùng với mệt mỏi, khó thở và da cực kỳ nhợt nhạt.
Tăng lượng vitamin bằng cách ăn các loại thực phẩm như thịt, cá, trứng, rau xanh, đậu và đậu lăng, có thể làm giảm các triệu chứng, nhưng thiếu vitamin và khoáng chất nặng cần được bác sĩ kiểm tra. Bác sĩ sẽ muốn xem thiếu hụt phát sinh như thế nào và thay thế các chất dinh dưỡng bị thiếu thông qua các chế phầm bổ sung cụ thể và thay đổi chế độ ăn.
6. Trào ngược axit gây kích ứng lưỡi.
Axit dạ dày đi ngược lên cổ họng (trào ngược thực quản họng), có thể gây kích ứng lưỡi và gây sưng. Bạn có thể nhận thấy vị chua hoặc đắng trong miệng, cổ họng nóng rát hoặc cảm giác có khối u trong cổ họng. Tránh xa thực phẩm và đồ uống có tính axit hoặc cay nóng có thể giúp kiểm soát trào ngược dạ dày, cũng như uống thuốc kháng axit, ăn ít một nhiều lần trong ngày và mặc quần áo thoải mái.
7. Lưỡi bị nhiễm trùng.
Nhiễm trùng có thể phát sinh từ vết đứt - như do răng cắn vào hoặc cọ xát vào lưỡi – và từ đó vi khuẩn xâm nhập. Lưỡi có thể đỏ và đau, và nếu nhiễm trùng sâu, nó có thể gây áp xe dẫn đến sưng đau.
Đôi khi, các bệnh lây qua đường tình dục, như giang mai và lậu, có thể ảnh hưởng đến lưỡi. Nhiễm trùng do vi khuẩn sẽ cần điều trị bằng kháng sinh và trong trường hợp áp xe lớn, cần nhập viện và phẫu thuật dẫn lưu.
Nhiễm vi-rút ở lưỡi bao gồm herpes. Nhiễm trùng đầu tiên là tệ nhất và có thể bao gồm nổi nhiều mụn nước đau bên trong miệng, bao gồm cả bề mặt của lưỡi, cũng như sốt và ớn lạnh.
HPV (papillomavirus ở người) và nhiệt miệng cũng có thể gây sưng lưỡi. Chúng thường tự hết mà không cần điều trị, nhưng luôn nên tìm hướng dẫn y tế nếu bạn cảm thấy đặc biệt khó chịu.
8. Tuyến giáp hoạt động kém có thể gây ra triệu chứng.
Khi lượng hoóc-môn trong máu thấp (thường gặp ở phụ nữ và thường liên quan đến bệnh tự miễn), có những dấu hiệu cụ thể cần chú ý, bao gồm mệt mỏi, tăng cân không rõ nguyên nhân, táo bón, kém chịu lạnh, tóc mỏng, và sưng lưỡi.
Rất may là có thể chẩn đoán suy giáp bằng xét nghiệm máu. Nếu được xác nhận, bệnh sẽ được điều trị bằng cách uống thuốc kê đơn để thay thế hoóc-môntuyến giáp. Sau đó, bạn sẽ cần xét nghiệm máu thường xuyên để kiểm tra liều thuốc, và liều sẽ được điều chỉnh khi cần.
9. Tuyến yên đang tăng hoạt động.
Tuyến yên là một cơ quan nằm ở đáy não. Nó tạo ra và vận chuyển nhiều loại hoóc-môn khác nhau đi khắp cơ thể, và báo cho các tuyến khác khi nào cần làm như vậy. Nếu tuyến yên sản xuất quá nhiều hoóc-môn tăng trưởng, nhiều bộ phận cơ thể sẽ to lên dần, bao gồm lưỡi, tay, chân và mặt.
Các bác sĩ gọi đây là bệnh to cực. Thường do khối u lành tính trong tuyến yên, các triệu chứng khác có thể bao gồm đau đầu, giọng nói trầm, kinh nguyệt không đều, những cục da thừa trên da và đường nét khuôn mặt to ra.
Vì bệnh to cực phát triển chậm, ban đầu người bệnh có thể không nhận thấy sự thay đổi về ngoại hình của mình, nhưng lần thứ hai nghi ngờ thì đó là một vấn đề, điều quan trọng là phải đi khám bác sĩ, xét nghiệm máu để xác nhận và điều trị, vì các biến chứng đe dọa tính mạng có thể tấn công nếu không được điều trị.
10. Đó có thể là dấu hiệu của ung thư lưỡi.
Ung thư lưỡi bắt đầu từ bề mặt, điển hình là một mảng trắng hoặc đỏ, hoặc một u cục nhỏ hoặc vết loét trên lưỡi. Ung thư thường phát sinh tại nơi bị nhiễm HPV trước đó, có thể xảy ra nhiều năm trước, và thường gặp hơn ở những người hút thuốc hoặc uống rượu.
Nếu được loại bỏ ở giai đoạn này, bệnh có thể khỏi hoàn toàn. Đó là lý do tại sao rất cần tìm kiếm sự chăm sóc y tế nếu bạn bị đau lưỡi dai dẳng hoặc khối u không hết - sinh thiết có thể xác định liệu đó có phải là ung thư hay không để bạn có thể được điều trị ngay lập tức.
Cẩm Tú
Theo Prevention