Súc miệng đi ngủ, cô gái suýt chết vì rơi răng giả xuống phổi

Hoàng Lê

(Dân trí) - Trong lúc súc miệng đi ngủ, chiếc răng giả có 3 móc sắt của cô gái rơi xuống cổ họng, khiến nạn nhân ho sặc sụa, đau tức ngực kéo dài phải nhập viện cấp cứu.

Ngày 15/6, đại diện Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM cho biết, các bác sĩ nơi đây vừa phẫu thuật giải cứu một trường hợp bị hóc dị vật rất nguy hiểm ở phổi.

Bệnh nhân là một cô gái 29 tuổi, nhập viện vì ho và đau ngực nhiều. Khai thác bệnh sử, cô gái cho biết hơn 2 năm trước có làm răng cửa giả bọc sứ. Theo thời gian, chiếc răng này thường bị lung lay, phải đi dán lại nhiều lần. Cách đây ít ngày, trong lúc đánh răng đi ngủ, cô gái bất ngờ lên cơn ho sặc sụa. Sau khi ho xong và định thần lại, cô kiểm tra thì phát hiện răng giả của mình đã "mất tích".

Lo lắng, cô đến bệnh viện gần nhà kiểm tra thì được cho biết không có gì bất thường. Tuy nhiên sang ngày hôm sau, thấy tiếp tục bị ho, đau tức ngực, bệnh nhân quyết định vào Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM khám lại.

Súc miệng đi ngủ, cô gái suýt chết vì rơi răng giả xuống phổi - 1

Cô gái nuốt răng giả trong lúc súc miệng đi ngủ (Ảnh: HL).

Lúc này qua chia sẻ của bệnh nhân, ngoài tiến hành các kiểm tra, thủ thuật chẩn đoán hình ảnh về tiêu hóa, bác sĩ chỉ định thêm chụp cắt lớp vi tính ngực. Qua đó, bệnh nhân được phát hiện hóc dị vật kích thước khoảng 12mm, hình chiếc răng ở phổi phải của bệnh nhân.

Bệnh nhân nhanh chóng được tiến hành phẫu thuật nội soi, xác định dị vật là chiếc răng bọc sứ, có 3 móc sắt nằm ở vị trí thùy dưới phổi. Hậu can thiệp, cô gái hết khó thở và sức khỏe dần ổn định.

ThS.BS Nguyễn Thanh Tùng, khoa Tai - Thần kinh, Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM cho biết, chính bệnh nhân cũng không ngờ trong lúc súc miệng, chiếc răng giả văng ra và bị sặc vào phổi. Rất may là các móc sắt không gây tổn thương niêm mạc, chảy máu nhiều cho bệnh nhân.

Súc miệng đi ngủ, cô gái suýt chết vì rơi răng giả xuống phổi - 2

Chiếc răng giả sau khi được các bác sĩ lấy ra khỏi phổi bệnh nhân (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

TS.BS Lê Trần Quang Minh, Giám đốc bệnh viện chia sẻ, thông thường dị vật đường thở gặp nhiều ở trẻ dưới 2 tuổi, với người lớn tỷ lệ chỉ chiếm 5-6%. Riêng với trường hợp răng giả thường rơi vào đường tiêu hóa, ít khi lọt đến phổi, vì vậy bác sĩ rất dễ bỏ qua nếu không xét nghiệm kỹ.

Dị vật đường hô hấp có thể gây nhiễm trùng, chảy máu, các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi rất phức tạp. Riêng với dị vật là răng giả thường có cạnh sắc nhọn, nếu là loại răng lớn, mắc kẹt ở khí quản gây tắc đường thở sẽ dẫn đến tử vong.

Do đó, các bác sĩ khuyên người dân nếu phải dùng răng giả nên chú ý kiểm tra thường xuyên, hư hỏng phải sớm được xử lý triệt để. Răng giả khoan, gắn cố định vào xương hàm (nếu làm một răng) sẽ an toàn hơn vì tránh được tình trạng rớt ra ngoài.