Sức khỏe Việt Nam: Kinh nghiệm từ “Bữa ăn học đường Nhật Bản”

(Dân trí) - Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam, 27/2, năm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức phát động chương trình Sức khỏe Việt Nam. Nếu thực hiện tốt, chương trình quan trọng này ngoài chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, còn giúp nâng cao tầm vóc, trí tuệ người Việt chúng ta…

Tổng quan về sức khỏe

Hiện nay, có nhiều định nghĩa về sức khỏe, nhưng định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới, WHO thường được dùng nhất: “Sức khỏe là trạng thái thoải mái toàn diện về thể chất, tinh thần và xã hội, chứ không đơn thuần là không có bệnh hay thương tật”.

Để bảo vệ sức khỏe thể chất, ngành y tế trên toàn thế giới đều nhấn mạnh đến việc quan tâm, lưu ý đến hai chế độ: ăn uống và vận động. Và khi thân thể khỏe mạnh tinh thần sẽ vui tươi, sáng tạo, “tinh thần minh mẫn trong thân thể tráng kiện”.

Bệnh không lây nhiễm, thấp lùn: hai vấn đề y tế lớn

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, dù đã phát triển tốt mạng lưới y tế, chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống dịch bệnh, và bảo hiểm y tế đã đạt 87,7%... Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn nhiều thách thức, áp lực: tốc độ già hóa của xã hội, sự gia tăng các bệnh không lây nhiễm như: béo phì, đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp,bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư

DT 335 SỨC KHỎE VIỆT NAM 3.JPG

 

Tầm vóc là vấn đề nan giải. Theo công bố của Viện Dinh dưỡng, chiều cao của dân Việt chúng ta hiện nay còn rất thấp, hơn một thế hệ, 25 năm, người Việt Nam chỉ tăng thêm gần 3 cm. So với các nước châu Á lân cận, như Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, tầm vóc thanh niên nước ta đều thấp hơn từ 6 đến 10 phân. Dù khá nhiều năm trước, vấn đề dinh dưỡng và chiều cao đã được nhiều giới trách nhiệm quan tâm, lo lắng và đầu tư.

Chương trình Sức khỏe Việt Nam

Nhận thức được những vấn đề y tế này, ngày 2/9/2018, Chương trình Sức khỏe Việt Nam này đã được Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt, nhằm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Sáng 27/2/2019, nhân kỷ niệm 64 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, tại trụ sở Bộ Y tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và phát động kêu gọi toàn dân thực hiện Chương trình Sức khỏe Việt Nam.

Chương trình khuyến cáo: Muốn giữ gìn, nâng cao sức khỏe, phát triển tầm vóc thì phải đồng thời thực hiện tốt cả ba yêu cầu cốt lõi là Vệ sinh phòng bệnh; Ăn uống điều độ, dinh dưỡng bảo đảm; và Rèn luyện thể lực thường xuyên. Cụ thể hơn, Bộ Y tế đề ra các nhiệm vụ và giải pháp tập trung để thực hiện 28 chỉ tiêu của 11 lĩnh vực sức khỏe ưu tiên gồm: dinh dưỡng hợp lý; vận động thể lực; chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh; phòng chống tác hại của thuốc lá, rượu bia; vệ sinh môi trường; an toàn thực phẩm; phát hiện sớm và quản lý bệnh không lây nhiễm; chăm sóc, quản lý sức khỏe người dân; sức khỏe người cao tuổi; sức khỏe người lao động.

Bữa ăn trưa học đường Nhật Bản

Các nghiên cứu Nhật Bản cho thấy các yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao của con người gồm: chế độ dinh dưỡng chiếm đến 32%, vận động thể dục thể thao chiếm 20%, môi trường tâm lý và xã hội chiếm 16% và yếu tố chủng tộc di truyền chiếm 23%. Như vậy, có đến hơn 3/4 (77%) của những yếu tố ảnh hưởng lên chiều cao là các yếu tố “có thể cải tạo được” (modifiable factors).

DT 335 SỨC KHỎE VIỆT NAM 4.jpg

 

Do đó, Minh Trị thiên hoàng đã đưa ra một quốc sách để cải tạo chiều cao thanh niên Nhật Bản là chương trình “Bữa ăn trưa học đường”: món ăn buổi trưa tại trường được người ta chăm chút, chọn lựa cẩn thận, theo những tài liệu, hướng dẫn khoa học chính thống.

Ngày nay, bữa trưa trường học Nhật Bản đã đa dạng, phong phú hơn nhiều: cân bằng dinh dưỡng và thay đổi nhiều món ăn nhằm đảm bảo sự phát triển của trẻ trong độ tuổi đi học. Sự tiện lợi, chi phí hợp lý, phục vụ chu đáo đã bữa trưa trường học Nhật Bản được xem là hình mẫu thế giới.

Thay lời kết

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công. Mỗi một người dân yếu ớt tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe. Dân cường thì nước thịnh”.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trung tâm của sức khỏe là trạng thái thoải mái thể chất, với hai chế độ có thể cải tạo được (modifiable regime) là dinh dưỡng (ăn uống) và vận động (thể dục). Hiện nay, trong các “kiềng ba chân” hướng dẫn phòng ngừa và điều trị các bệnh không lây nhiễm (non-communicable disease, NCD) như béo phì, mỡ máu, tăng huyết áp, đái tháo đường, chế độ ăn uống và chế độ vận động thường được ưu tiên hướng dẫn trước chế độ thuốc men.

PGS.TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia nhận định: “Với chế độ dinh dưỡng như hiện nay, chiều cao tăng 1 - 1,5cm trong một thập kỷ, chúng ta phải chờ đợi từ 60 đến 80 năm nữa ta mới cao được như người Nhật. Mấy thập kỷ trước, Nhật bị gọi là lùn, thì nay chiều cao nam giới của họ đã hơn 8cm với Việt Nam”.

Bảo vệ, nâng cao sức khỏe là một công việc dài hơi cần đầu tư nhiều công sức và tài chánh. Và chương trình Sức khỏe Việt Nam chính là công cụ, kim chỉ nam cho công tác này. Để thành công cần học hai kinh nghiệm từ chương trình Bữa ăn trưa học đường Nhật Bản là: cơ sở khoa học và thực tế khả thi.

TS.BS Trần Bá Thoại

Uỷ viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm