1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Sữa - Uống vì quảng cáo!

Có thể kết luận được là tất cả hành trình của sữa đều vì tương lai trẻ em - người tiêu dùng sữa có nhu cầu cao nhưng lại được định hướng chọn lựa bởi quảng cáo.

Sáng chế đầu tiên để sữa có thể đi thật xa khỏi các trang trại mà vẫn an toàn cho người dùng cũng bắt đầu từ trẻ em. Công đầu thuộc về người cha bất hạnh Gail Borden (Mỹ), ông đã suy sụp vì cái chết của mấy đứa con do ăn phải sữa bò bị hư trong chuyến du hành bằng đường thuỷ qua Anh. Và, nói theo cách thời thượng, ông đã “biến đau thương thành sáng chế” sữa đặc có đường của Mỹ vào năm 1856 (1). 

 

Hành trình sữa ở Việt Nam, cũng như các nước có nền văn minh lúa nước khác, có lẽ muộn màng hơn các xứ phương Tây rất nhiều – khu vực dùng sữa bò sớm nhất là Trung Đông vào khoảng năm 8000-7000 trCN. Sữa đi vào ẩm thực Việt Nam chắc chắn nhất là vào thời Tây đô hộ, cuối thế kỷ 19. Món uống nổi tiếng được ghi trong tự điển Wikipedia là “ca phe sua da” không phải là món truyền thống. Chứng nhân cho việc này là nhà thơ Tú Xương: “Chi bằng đi học làm thầy phán. Sáng rượu sâm banh, tối sữa bò”.

 

Sữa đặc có đường xuất hiện ở Việt Nam vào thời kỳ này. Nói sữa đặc có đường ăn gian sữa vì thành phần của nó gồm 40 - 45% đường và khoảng 28% sữa nguyên kem. Đường được coi như là thành phần bảo quản để sữa có thể tồn trữ được trong vòng 12 tuần. Tuy rằng đó là thứ sữa ăn gian, dưỡng chất từ sữa thì ít mà đường thì nhiều nhưng nó cũng hữu ích đối với trẻ em ở các vùng sâu vùng xa.  

 

Sữa bò nguyên kem không có đủ vitamin E, sắt, hoặc các acid béo chủ yếu, cho trẻ sơ sinh ăn có thể làm chúng thiếu máu. Sữa bò nguyên kem có nhiều đạm, muối natri, và muối kali, khiến cho thận trẻ chưa trưởng thành phải làm việc nặng. Một thí nghiệm mù đôi ở Hà Lan cho thấy trẻ sơ sinh nuôi bằng sữa bò nguyên kem có thể bị cao huyết áp bẩm sinh. Ngoài ra, đạm và béo trong sữa bò nguyên kem khó tiêu thụ hơn sữa mẹ.

 

Sử dụng sữa đặc có đường làm từ sữa bò nguyên kem để nuôi trẻ sơ sinh cần tham vấn bác sĩ chuyên môn.

 

Nhập sữa xá gầy về chế biến thành sữa trẻ em formula 1 là không thể chấp nhận được, vì các chất muối khoáng và đạm còn nguyên làm hư thận bé hoặc gây cao huyết áp bẩm sinh. Việt Nam chưa có nguồn sữa tươi đủ lớn để có thể đầu tư một cách hiệu quả công nghệ tháo bớt khoáng và đạm từ sữa bò nguyên kem.

Từ đó trở đi, dân Việt bén mùi sữa bò. Nhưng cái sự bén này phải mất đến cả trăm năm mới làm nên một thị trường đầy bão táp, đặc biệt là khoảng 10 năm trở lại đây, nhưng đồng thời cũng kích hoạt nên một nếp văn hoá tiêu dùng sữa bò. Kiến thức người tiêu dùng qua nhiều phong ba ấy cũng dày lên hẳn. Cũng lắm hoang mang sau các vụ sữa quá dư folic axit, sữa pha dầu cọ gây ung thư, sữa bột hoàn tươi giả sữa tươi, v.v...

 

Nói gì thì nói, nhờ công nghệ nước bọt của các hãng sữa ngoại cũng như nội, hầu hết người tiêu dùng Việt Nam đều biết rằng sữa cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Nhờ đó, người ta cũng được biết câu chuyện trẻ em nước Nhật từ sau thế chiến thứ hai cao hơn các thế hệ trước là nhờ chính sách sữa học đường, các em có tiêu chuẩn sữa miễn phí mỗi ngày, tuy cả nước phải thắt lưng buộc bụng.

 

Chuyện sữa học đường gợi nhớ đến một chương trình sữa học đường được một tổ chức nước ngoài tài trợ cho các em học sinh ở Đồng Tháp. Mỗi ngày, vào buổi sáng, các em được uống một suất sữa và ăn bánh bích quy. Đến một ngày nọ, hàng trăm em sau khi uống sữa và ăn bánh bỗng bị ói mửa và tiêu chảy. Nhà sản xuất sữa và nhà sản xuất bánh – đều là công ty trong nước - đổ thừa lẫn nhau. Nhưng người tinh ý sẽ nhận ra rằng bánh mà rơi xuống đất lượm lên ăn cũng chẳng sao, còn sữa thì nguy cơ nhiễm vi sinh rất cao nếu bị “ra gió”. Sau đó dư luận cũng nghiêng về sữa là thủ phạm. Nhưng chẳng hiểu sao có một chuyên viên dinh dưỡng kỳ cựu, người thường xuyên ký tên mình dưới các bài PR về dinh dưỡng, đưa ra nhận định rằng trẻ em Hồng Ngự thiếu men lactaz, không dung nạp sữa sau khi hết thời thơ ấu bú sữa mẹ. Dân khoa học nhìn nhau lắc đầu: làm gì có một tỷ lệ dân số thiếu men lactaz cao đến thế trong một địa phương hẹp đến thế? Câu chuyện chìm xuồng với kết luận trẻ em nơi quê nghèo ấy thiếu men lactaz, mặc dầu số trẻ em ấy được thụ hưởng chương trình sữa học đường một thời gian dài mới gặp tình trạng ngộ độc nói trên. Nhà tài trợ sợ quá cắt chương trình. Tội nghiệp các em mất đi một chương trình dinh dưỡng cần thiết. Và nó cũng không được nhân rộng cho nhiều nơi khác.

 

Sau chiến dịch sữa tăng chiều cao là đến chiến dịch sữa thông minh. Sữa được các nhà tiếp thị khẳng định giúp tăng chỉ số thông minh đánh đúng vào tâm lý bà mẹ nào cũng muốn con mình trở thành trạng trong tương lai. Những ông trạng của ta ngày xưa mà được uống sữa thông minh chắc còn… trạng hơn nhiều.

 

Có thể dự báo rằng nếu dựa trên sáng chế sữa dành cho bé trai và sữa dành cho bé gái, thì rồi đây, cũng sẽ có sữa giúp bé giỏi toán, sữa giúp bé giỏi văn, sữa giúp bé giỏi sinh ngữ. Các bà mẹ hãy đợi đấy!

 

Theo Công Khanh

Sài Gòn tiếp thị

 

(1) bằng sáng chế số RE2103 cấp ngày 14.11.1856