Sữa mẹ cùng những cái ôm đầu đời sẽ cứu hàng triệu trẻ sơ sinh
(Dân trí) - Nhiều trẻ đang bị tước đi nguồn dinh dưỡng quý giá nhất sau khi chào đời đó là nguồn sữa mẹ. Dòng sữa ngọt ngào và những cái ôm ấm áp ngay sau khi chào đời có thể cứu hàng triệu trẻ sơ sinh.
Đó là nội dung được ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế) nhấn mạnh tại buổi lễ trao danh hiệu bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc cho Bệnh viện Hạnh Phúc, Bình Dương (ngày 2/1/2021). Đây là bệnh viện thứ 18 trên cả nước nhận được danh hiệu này sau những nỗ lực mang đến chất lượng chăm sóc tốt nhất cho trẻ sơ sinh.
Theo ông Đức Vinh, dù tầm quan trọng của việc nuôi con bằng sữa mẹ đã được khẳng định rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, vì những lý do khác nhau, nhiều trẻ sinh ra vẫn không được bú mẹ ngay sau khi chào đời hoặc không được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Đây là nguyên nhân gây ra những gánh nặng về y tế bởi những vấn đề sức khỏe cho trẻ trong suốt phần đời còn lại.
Khi thực hành nuôi con bằng sữa mẹ, ngay sau chào đời trẻ sẽ được thực hiện phương pháp da kề da với mẹ trong vòng 90 phút. Đây được xem là khởi đầu "tuyệt vời" nhất cho trẻ giúp bé có thể ổn định thân nhiệt, nhịp thở, nhịp tim, đường huyết, bé khóc ít hơn, tiếp nhận những vi khuẩn có lợi cho cơ thể, gắn kết tình mẹ con và tự bú mẹ sớm nhất.
Theo phân tích của BS Lê Văn Đức: "Sữa mẹ không chỉ là nguồn dinh dưỡng mà còn là những chất thiết yếu, tạo hàng rào kháng thể quan trọng để bảo vệ trẻ mà không có loại dinh dưỡng nào thay thế được. Khi trẻ được nuôi bằng sữa mẹ, tỷ lệ bị viêm phổi, dị ứng, tiêu chảy hoặc tử vong do các bệnh lý khác giảm rõ rệt. Về lâu dài khi trẻ phát triển, thị lực tốt hơn, trí não cũng thông minh hơn, ít bị béo phì, ít bị đái tháo đường, ít bị cao huyết áp so với nhóm không được bú sữa mẹ".
Về phía người mẹ, theo BS Đức việc cho con bú sữa ngay sau sinh sẽ giúp cho tử cung co bóp tốt, giảm được tỷ lệ băng huyết, giảm căng thẳng, quan trọng hơn việc cho con bú có thể giúp chính người mẹ giảm được tỷ lệ ung thư vú, ung thư buồng trứng. Ở mặt tâm lý cho con bú sữa mẹ sẽ gắn kết tình yêu thương giữa mẹ và bé, giúp nâng đỡ tâm lý, giảm nguy cơ trầm cảm sau sinh, mang lại lợi ích kinh tế.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhóm trẻ không được bú mẹ mà phải dùng sữa công thức thay thế có nguy cơ tử vong cao hơn 14 lần so với trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn tiêu hóa và hô hấp, viêm tai giữa, tăng nguy cơ béo phì, bệnh răng miệng và đái tháo đường. Nếu tất cả trẻ sinh ra được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và sau 6 tháng bắt đầu ăn dặm kèm bú mẹ đến 2 tuổi thì sẽ có thêm gần 1 triệu trẻ em dưới 5 tuổi được cứu sống mỗi năm.