TPHCM:
Sốt xuất huyết tăng cao, phòng chống dịch vẫn chủ quan
(Dân trí) - Bệnh sốt xuất huyết đã diễn biến phức tạp từ đầu năm đến nay, đe dọa bùng phát dịch vào mùa mưa. Tuy nhiên, ý thức phòng chống dịch bệnh của cả người dân lẫn cơ quan chức năng vẫn chủ quan tạo đà cho muỗi truyền bệnh lưu hành trên diện rộng.
Nguy cơ bùng phát dịch trong mùa mưa
Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ đầu năm 2015 đến nay, bệnh sốt xuất huyết gia tăng đặc biệt tại 8 tỉnh thành thuộc khu vực Nam Bộ. Dự báo, khi bước vào mùa mưa bệnh sẽ tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp nếu không có giải pháp phòng chống quyết liệt.
Trước tình hình trên, Bộ Y tế đã gửi công văn yêu cầu các tỉnh thành tăng cường biện pháp phòng chống.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ, chiều 22/4, Sở Y tế TPHCM đã có cuộc họp khẩn với các đơn vị liên quan nhằm triển khai các giải pháp ngăn chặn sốt xuất huyết tại các điểm nguy cơ cao bùng phát dịch. Báo cáo của BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố cho thấy, tính đến hết tuần 16 của năm 2015, sốt xuất huyết đã khiến 3.895 bệnh nhân phải nhập viện điều trị (tăng 43% so với cùng kỳ năm 2014).
Lý giải cho tình trạng trên, BS Trí Dũng cho rằng, năm 2014 dịch sốt xuất huyết đã kết thúc muộn nên đỉnh dịch kéo sang cả những tuần đầu của năm 2015, phải đến tuần thứ 7, sốt xuất huyết mới bắt đầu “hạ nhiệt”. Tuy nhiên, đến nay số ca bệnh vẫn duy trì ở mức cao với khoảng 140 bệnh nhân mới mắc sốt xuất huyết mỗi tuần.
BS Trí Dũng khẳng định, sốt xuất huyết hiện vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu, vì thế khi dịch bệnh bùng phát việc kiểm soát sẽ trở nên vô cùng khó khăn. Sốt xuất huyết thường diễn tiến theo chu kỳ mỗi 5 năm sẽ bùng phát 1 lần và cứ 10 năm, bệnh sốt xuất huyết lại tăng gấp đôi trên toàn thế giới. Từ năm 2010 đến 2014, bệnh sốt xuất huyết có xu hướng giảm dần nhưng sang năm 2015 bệnh đang có diễn biến khó lường, ngay trong mùa khô sốt xuất huyết đã duy trì ở mức cao vì thế khi bước vào mùa mưa, nguy cơ bùng phát dịch rất lớn.
Để xảy ra ổ dịch có thể bị phạt đến 20 triệu đồng
Theo phân tích của BS Bạch Thị Chính, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố, trên địa bàn hiện đang bước vào cao điểm của mùa khô, tuy nhiên sốt xuất huyết vẫn ở mức cao.
Qua thực tế kiểm tra tại các địa phương ghi nhận, thành phố hiện đang có nhiều công trình xây dựng, tình trạng môi trường ô nhiễm đã phát sinh nhiều điểm nguy cơ.
Bên cạnh đó, tâm lý chủ quan của cả người dân lẫn các đơn vị chức năng trong việc phòng chống đang khiến muỗi truyền bệnh lưu hành trên diện rộng.
Nhiều người không ngờ tới những tình huống muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết có thể sinh sống ngay trong chậu cảnh, bình hoa, lỗ chứa nước nhỏ trong máy lạnh… nên không có ý thức kiểm tra thường xuyên và dọn dẹp những vật dụng đã tạo môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sản.
Thống kê của Sở Y tế trong vòng 5 năm qua cho thấy, tại 8 quận huyện gồm: Bình Chánh, Bình Tân, Hóc Môn, Tân Bình, Thủ Đức, Củ Chi, Tân Phú, Quận 8 số ca bệnh sốt xuất huyết chiếm tới 50% tổng số ca sốt xuất huyết trên toàn thành phố. Mặc dù, ngành y tế đã tăng cường các biện pháp hỗ trợ việc phòng chống sốt xuất huyết nhưng diễn tiến bệnh tại các quận huyện trên nhiều năm qua vẫn chưa có diễn biến khả quan.
Đây là hậu quả của sự biến động dân số, đô thị hóa, sự biến đổi môi trường và đặc biệt là ý thức phòng chống bệnh của cộng đồng. Trong khi người dân chủ quan lơ là thì chủ thầu các công trình xây dựng không quan tâm đến nguy cơ từ các bể nước phục vụ xây dựng và các công trình dở dang, ngổn ngang những vật dụng chứa nước mưa. Cộng đồng đang đổ dồn trách nhiệm phòng chống bệnh sốt xuất huyết lên ngành y tế.
BS Nguyễn Trí Dũng cho hay, sắp tới Sở Y tế sẽ phát biểu mẫu tự đánh giá về công tác phòng chống dịch cho các gia đình, cơ quan xí nghiệp. Trên cơ sở đó, họ sẽ phải cam kết không để xảy ra các yếu tố liên quan đến sốt xuất huyết. Nếu để xảy ra ổ bệnh, ngành y tế sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan áp dụng các chế tài xử phạt đã được pháp luật quy định đối với nhưng hộ gia đình, cơ quan xí nghiệp có pháp nhân mức xử phạt cao nhất có thể lên tới 20 triệu đồng.
BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế cho rằng: Thực tế kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết cho thấy, nhiều trung tâm y tế dự phòng tại các quận huyện: Thủ Đức, Bình Tân, Bình Chánh… thực hiện công tác xử lý ổ dịch chưa đạt yêu cầu. Cán bộ phòng chống dịch bỏ sót ca bệnh làm tăng nguy cơ lây lan sốt xuất huyết cho cộng đồng; chậm trễ trong việc phun thuốc diệt muỗi; khi có dịch thì tập trung xử lý nhưng khi dịch lắng xuống thì chủ quan lơ là…
BS Nguyễn Hữu Hưng yêu cầu ngành y tế dự phòng trong thời gian tới cần phải kiểm soát được 100% các điểm có yếu tố nguy cơ bùng phát sốt xuất huyết; tổ chức diệt lăng quăng, bọ gậy tại những khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng cao; phun hóa chất trên diện rộng tại các điểm nguy cơ bùng phát dịch; các bệnh viện sẵn sàng thuốc, trang thiết bị thực hiện điều trị cấp cứu, không để xảy ra trường hợp tử vong do sốt xuất huyết; đẩy mạnh truyền thông phòng chống sốt xuất huyết giúp người dân ý thức được sự nguy hiểm của bệnh từ đó chủ động kết hợp phòng chống với ngành y tế.
Vân Sơn