Sốt virus - Có nên truyền dịch?

(Dân trí) - “Nhiều phụ huynh đưa con đi truyền dịch để... hạ sốt. Thực tế không như vậy. Truyền dịch không làm trẻ hết sốt nhanh hơn mà có thể gây những tác dụng phụ đáng tiếc”, TS Nguyễn Tiến Dũng, Phó trưởng Khoa Nhi BV Bạch Mai cho biết.

Truyền dịch có hiệu quả?

 

Sốt virus (còn gọi là sốt siêu vi trùng, sốt dịch) thường xảy ra rải rác quanh năm, do nhiều loại virus đường hô hấp, tiêu hoá... gây nên.

 

Trẻ bị sốt virus thường tự khỏi sau 1 - 3 ngày nhưng cũng có những trường hợp sốt đến hàng tuần. Trẻ bị sốt đột ngột, sốt rất cao từ 390C - 400C, nhưng cũng có thể chỉ bị sốt nhẹ, đầu hơi hâm hấp nóng.

 

Theo TS Dũng, rất nhiều người cho rằng bị sốt virus phải truyền dịch bệnh mới nhanh khỏi. Ba loại dịch được truyền phổ biến hiện nay: dung dịch đường, nước muối và dung dịch tổng hợp nhiều chất điện giải.

 

Thế nhưng khả năng hấp thụ lượng nước, muối và các chất điện giải này không nhiều. Hơn nữa, hiện vẫn chưa ai chứng minh được truyền dịch vào là hết sốt. Không những vậy, tất cả các thuốc đưa vào cơ thể đều có tác dụng phụ và nguy cơ này càng gia tăng khi cơ thể hấp thu trực tiếp.

 

Truyền dịch có thể gây nhiễm trùng, lây nhiễm các bệnh HIV/AIDS, viêm gan... Do vậy, nếu trẻ bị sốt siêu virus mà vẫn ăn uống tốt thì xét về khoa học, không nên truyền dịch cho trẻ mà hãy bồi phụ cho trẻ qua đường ăn uống. 

 

Có nhiều trường hợp, truyền dịch cho con 2 - 3 ngày không thấy hết sốt mới vội đưa trẻ đến bệnh viện. Khi đó mới “tá hoả” vì con mình bị các bệnh khác như viêm não, viêm màng não, viêm phổi...

 

Bị viêm não, viêm màng não mà truyền dịch muối, đường rất nguy hiểm, vì làm tăng phù não. Còn viêm phổi thường không được truyền dịch, trừ một số trường hợp. Thậm chí bệnh nhân  viêm phổi bị mất nước bác sĩ vẫn khuyên uống hơn là truyền. Trường hợp buộc phải truyền cần có bác sĩ giỏi, tính toán kỹ chứ không thể truyền dịch bừa bãi.

 

Chỉ truyền dịch trong những trường hợp nghi sốt xuất huyết hoặc bị sốt xuất huyết. Cũng có những trường hợp bị sốt virus được bác sĩ chỉ định truyền dịch, đó là những bệnh nhân bị nôn nhiều, không ăn uống được, sốt kèm theo đi ngoài, mất nước...

 

Cho bé nghỉ ngơi

 

TS Dũng cho biết, đến nay, chưa có loại thuốc đặc trị sốt virus mà bệnh thường tự khỏi. Khi virus xâm nhập vào cơ thể, cơ thể có phản ứng bắt buộc loại trừ nó. Tốt nhất khi bé bị sốt virus, hãy cho bé nghỉ ngơi, ăn uống tốt hơn để tăng sức đề kháng. Cơ thể càng khoẻ mạnh thì việc loại trừ virus càng nhanh.

 

Khi trẻ bị sốt, hãy cho trẻ ở nhà thay vì đến trường. Nhiều bậc phụ huynh con vừa dứt sốt đã bắt đi học hay cho trẻ đùa nghịch thoải mái khiến trẻ rất dễ bị sốt lại. Điều này cực kỳ nguy hiểm và gây khó khăn, tốn kém trong điều trị.

 

Vì khi sốt lại, bác sĩ sẽ phải làm một số xét nghiệm xem có biến chứng gì không? Khi đó, sức đề kháng của trẻ càng yếu sẽ tạo điều kiện cho vi trùng một số bệnh như viêm phổi, nhiễm trùng tiết niệu... tấn công. Hãy để trẻ nghỉ ngơi một hai ngày để sức khoẻ được hồi phục hoàn toàn.

 

Nếu trẻ sốt từ 38,50C trở lên cần cho trẻ uống thuốc hạ nhiệt. Có thể dùng paracetamol hạ sốt nhưng không được dùng quá 15mg/1kg/lần và chỉ dùng tối đa 4 lần/ngày. Có thể cho trẻ uống hoặc đặt hậu môn.

 

Tuy nhiên, vẫn phải theo dõi chặt, nếu trẻ có những dấu hiện lạ và khi cần, phải nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để tránh những biến chứng xấu...

 

Nếu bệnh nhân sốt siêu vi trùng mà còn ăn uống được thì nên bồi phụ theo đường ăn uống. Nên cho trẻ ăn làm nhiều bữa nhỏ với những thức ăn dễ tiêu như: sữa, súp, cháo nghiền... và không ăn no. Cho trẻ uống nhiều nước, nước cam, chanh, ăn nhiều trái cây, hoa quả, có thể bổ sung vitamin C hoặc pha oresol cho trẻ uống.

 

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm