“Soi” chất lượng thức ăn đường phố bằng… “mắt thịt”
(Dân trí) - Ngoài ý thức của người kinh doanh còn hạn chế thì việc truy nguyên nguồn gốc và kiểm tra chất lượng thức ăn đường phố đang là vấn đề thách thức đối với đơn vị quản lý. Những món ăn khoái khẩu, tiện lợi bên lề đường đang tiềm ẩn mối nguy cho sức khỏe người dùng.
Ngày 13/1, Chi cục Vệ sinh An toàn thực phẩm, TPHCM đã tổ chức tổng kết công tác đảm bảo an toàn thực phẩm đối với kinh doanh thức ăn đường phố trong năm 2015. Thống kê sơ bộ của chi cục chỉ ra, trên toàn địa bàn thành phố hiện có khoảng 20.000 cơ sở đăng ký kinh doanh thức ăn đường phố. Hoạt động kinh doanh diễn ra sôi động nhất tại các quận nội thành, nơi tập trung đông dân cư.
Thức ăn đường phố lâu nay được xem là những mặt hàng chiếm được thiện cảm của người tiêu dùng thuộc nhóm đối tượng có thu nhập trung bình trở xuống. Đây là mặt hàng có giá rẻ, việc ăn uống, mua bán diễn ra tiện lợi, nhanh chóng. Tuy nhiên, trong điều kiện môi trường thành phố ngày càng ô nhiễm, tình trạng bày bán thức ăn không được che đậy, bán thức ăn bên cạnh cống rãnh, thùng rác ở lề đường luôn tiềm ẩn những mối đe dọa đối với sức khỏe người sử dụng.
Thức ăn giá rẻ thường đi kèm với chất lượng thấp, lại bày bán trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh sẽ có nguy cơ bị nhiễm khuẩn, dẫn đến những chứng bệnh như rối loạn tiêu hóa, ngộ độc cấp tính hoặc ngộ độc mạn tính. Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho cộng đồng khi sử dụng thức ăn đường phố, từ năm 2014, UBND thành phố đã có chỉ thị về việc tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm tại những cơ sở kinh doanh.
Sau hơn một năm thực hiện đến nay, thành phố đã xây dựng được nhiều mô hình điểm về an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố. Tuy nhiên, việc kinh doanh thức ăn đường phố lâu nay như “một bãi chiến trường” nên đang gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý.
Theo BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chi cục phó Chi cục Vệ sinh sinh An toàn thực phẩm thành phố, hiện vẫn còn một số nguồn nông sản, thực phẩm nhập vào thành phố tiêu thụ nhưng chưa kiểm soát được nguồn gốc. Bên cạnh đó là tình trạng các cơ sở kinh doanh sử dụng nhiều phụ gia thực phẩm nằm ngoài danh mục cho phép hoặc trong danh mục nhưng bị sử dụng vượt quá hàm lượng.
Việc kiểm tra, đánh giá chất lượng thức ăn đường phố đã được tiến hành thường xuyên với những thang điểm cụ thể. Theo báo cáo của Chi cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm, hầu hết các điểm kinh doanh mặt hàng ăn uống đều đạt điểm về chỉ tiêu về an toàn vệ sinh, chỉ còn 7% cơ sở kinh doanh chưa sạch.
Nhưng theo đánh giá của các nhà chuyên môn thì đây chỉ là những con số mang tính hình thức bởi các cán bộ làm công tác quản lý ở tuyến phường xã hầu hết đều là kiêm nhiệm, thiếu chuyên môn, thiếu nghiệp vụ và thiếu cả trang thiết bị cần thiết phục vụ cho việc kiểm chuẩn chất lượng thức ăn dựa trên những tiêu chí khoa học. Hình thức kiểm tra hầu hết đều thực hiện bằng mắt thường, việc truy nguyên nguồn gốc và đánh giá chất lượng của các món ăn trên cơ sở xét nghiệm phân tích còn rất hạn chế hoặc chưa được thực hiện.
Trong bối cảnh chất lượng an toàn thực phẩm đang trở thành chủ đề bức xúc của xã hội, nhưng công tác quản lý nhà nước còn bộc lộ nhiều hạn chế, người kinh doanh, người tiêu dùng cần nâng cao ý thức trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Các hộ kinh doanh, người nội trợ chỉ nên sử dụng những sản phẩm có rõ nguồn gốc xuất xứ, sản phẩm tươi, sạch để chế biến thức ăn, hãy nói không với những mặt hàng quá “đát” hàng ôi thiu hoặc không rõ nguồn gốc để bảo vệ sức khỏe của cả cộng đồng.
Vân Sơn