Số ca cấp cứu tăng trong đêm cổ động viên “đi bão” ăn mừng huy chương vàng SEA Games

(Dân trí) - Theo Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, trong đêm “đi bão” ăn mừng huy chương vàng SEA Games môn bóng đá nam, một số cổ động viên gặp phải chấn thương được đưa vào viện cấp cứu.

Bác sĩ Nguyễn Thành, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội cho biết, số ca cấp cứu trong đêm 10/12 có tăng hơn so với ngày thường. Có nhiều ca bị chấn thương gãy xương vùng mặt hàm, gãy xương chậu…

“Ngày hôm đó, Trung tâm có 138 chuyến cấp cứu, trong có đó nhiều trường hợp bị tai nạn, vào các ngày thường chỉ khoảng 100 chuyến. Như vậy, số chuyến cấp cứu tăng 38%”, bác sĩ Thành cho biết.

Số ca cấp cứu tăng trong đêm cổ động viên “đi bão” ăn mừng huy chương vàng SEA Games - 1

Hàng vạn người đổ ra đường ăn mừng khi Đội tuyển bóng đá nam Việt Nam giành huy chương vàng SEA Games.

Cũng theo bác sĩ Thành, để đảm bảo an toàn cho các cổ động viên, Trung tâm huy động tối đa lực lượng, túc trực tại các tuyến đường trung tâm, phối hợp cùng các lực lượng khác để đảm bảo cấp cứu trên toàn tuyến.

Tại một số địa phương cũng ghi nhận một số trường hợp gặp tai nạn giao thông trong đêm đổ ra đường ăn mừng chiến thắng lịch sử này.

Tại An Giang cũng xảy ra một tai nạn thương tâm khi một thanh niên 29 tuổi lái máy cày không may va vào ghế đá làm một người chết, 3 người bị thương. Khi đó, người này đang chở khoảng 10 người “đi bão” ăn mừng chiến thắng. Tại TP Hà Tĩnh, cũng vì “đi bão” một xe bán tải đâm gãy cột điện, hai người phải nhập viện.

Một trong những nguyên nhân khiến xảy ra nhiều vụ tai nạn khi cổ động viên đi bão là do nhiều người uống rượu bia trong khi xem bóng đá. Khi một lượng cồn lớn vào trong cơ thể, chúng gây rối loạn bộ não của cơ thể khiến bộ não không kiểm soát được các hoạt động của các trung tâm dưới vỏ. Từ đó gây ra các hành động tiêu cực của người uống như đi đứng loạng choạng, phản ứng chậm, mất kiểm soát và liễu lĩnh hơn.

Nguy hiểm hơn, uống rượu bia khi tham gia giao thông, người điều khiển xe bị giảm tập trung, phản xạ chậm, buồn ngủ và dễ gây tai nạn giao thông.

Khi sơ cứu trường hợp bị tai nạn giao thông, cần chú ý những vấn đề dưới đây:

- Cần băng bó vết thương cho bệnh nhân để tránh tình trạng chảy máu kéo dài dẫn đến mất máu. Có thể băng vết thương bằng garo nhưng không được băng quá mạnh. 

- Cố định vết thương gãy cho bệnh nhân trước khi chuyển tới bệnh viện. Tuyệt đối không kéo, nắn xương cho bệnh nhân vì tất cả những can thiệp đó có thể làm cho xương bị di lệch thêm. Nên nẹp tạm thời chỗ xương gãy lại, để hạn chế di động của xương và để người bệnh đỡ đau, sau đó đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện.

- Chuyển bệnh nhân đến bệnh viện ở tư thế nằm, nhất là khi bệnh nhân bị hôn mê, bất tỉnh. Khi nhấc bệnh nhân, tuyệt đối không được bế xốc bổng hay bế gập người bệnh nhân mà phải vận chuyển bệnh nhân ở tư thế nằm. 

- Đặt bệnh nhân ở tư thế nằm đầu hơi cao. Tư thế này sẽ hạn chế được tình trạng suy hô hấp của bệnh nhân.

- Kiểm soát đường hô hấp cho bệnh nhân, làm đường thở thông thoáng. Cần móc ngay đờm, dãi, răng giả (nếu có) ra khỏi miệng, mũi người bệnh rồi dùng khăn ẩm lau sạch để người bệnh có thể tự thở.

Nếu bệnh nhân ngừng thở thì phải tiến hành hô hấp nhân tạo. Nếu ngưng đường thở trong vòng 3 phút có thể làm chết não và quá 5 phút có thể gây chết tim. 

Hà An