Sinh viên trường Y trắng đêm 'canh' Covid-19 ở cửa ngõ Đà Nẵng
(Dân trí) - Vượt qua mọi rào cản, khó khăn để tham gia chống dịch Covid-19, các sinh viên y khoa ở Trường Đại học Kỹ thuật Y-Dược Đà Nẵng đang ngày đêm "canh gác" cửa ngõ thành phố với những trải nghiệm đáng nhớ.
Quyết định vào giờ chót của nữ sinh trường y
Sáng 2/8, cô sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng Nguyễn Thu Hà thức dậy sớm hơn mọi khi gần 1 tiếng đồng hồ. Nhanh chóng sửa soạn, Hà lấy chiếc ba lô đã được cô sắp đầy quần áo và tư trang từ tối qua rồi đi xuống phòng khách. Ở đó, cả gia đình nữ sinh này cũng đã có mặt đầy đủ.
Hôm nay là một ngày đặc biệt với Thu Hà khi cô chính thức tham gia vào lực lượng chống dịch trên tuyến đầu của thành phố Đà Nẵng.
Cách đó vài hôm, khi nhà trường đăng tải lời kêu gọi các tình nguyện viên tham gia chống lại đại dịch Covid-19 đang hoành hành, Hà đã phải đứng giữa những lựa chọn khó khăn.
“Đọc được thông báo kêu gọi của trường, tôi định đăng ký ngay nhưng lại nghĩ đến gia đình, bố tôi đã lớn tuổi, anh ruột thì lại đang có con nhỏ. Nhỡ đâu mình lại mang mầm bệnh về cho người thân”, Thu Hà nhớ lại.
Tuy nhiên, khi nhận được lời động viên “cả gia đình biết cách tự bảo vệ mình, con cứ yên tâm làm nhiệm vụ” của bố, Hà đã quyết định điền tên vào danh sách đăng kí khi đợt "tuyển quân" chỉ còn vài chục phút nữa là chốt sổ.
Sau 2 ngày tập huấn, Hà nhận nhiệm vụ trực tại chốt kiểm soát C13, dưới chân núi Thần Tài, xã Hoà Phú, huyện Hoà Vang. Chốt nằm tại rìa thành phố, cách nhà Hà đến 30 km. Vì vậy, dù nhận lệnh tập hợp lúc 7h30 sáng nhưng từ 5h30 cô đã phải dậy cho kịp giờ.
Là Phó bí thư chi đoàn khoa Dược, nữ sinh này đã quen với những lần công tác xa. Sáng đó, Hà cũng tự lái xe máy đi lên chốt trực. Tiễn con gái lên đường, bố mẹ chỉ nhắc Hà cố gắng đảm bảo an toàn cho bản thân.
Chốt C13 là “cửa ngõ” của Đà Nẵng. Trong bối cảnh thành phố này đã phong tỏa vì dịch Covid-19, Hà cùng 3 thành viên khác trong nhóm sinh viên được cử đến đây nhận nhiệm vụ phối hợp cùng các lực lượng khác, để kiểm soát dòng người qua lại.
Cô chia sẻ thêm về công việc của mình: Tất cả phương tiện, người dân ra/vào chốt sẽ được lực lượng cảnh sát yêu cầu dừng lại để khai báo thông tin. Cùng lúc đó, chúng tôi sẽ thực hiện đo thân nhiệt và ghi lại kết quả.
Lực lượng y tế cần có mặt tại chốt 24/24 để thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, nhóm sinh viên được chia đôi. Hà cùng 1 sinh viên nữ được ưu tiên trực 12 tiếng ban ngày. Trong khi đó, 2 thành viên nam của nhóm nhận về mình ca đêm.
Dù là được ưu tiên nhưng nửa ngày trời trực chốt kiểm soát vẫn là thử thách lớn ngay cả với nam nhi, chứ chưa nói đến những cô gái tuổi vừa đôi mươi như Hà.
Ở thời điểm này, chỉ có các phương tiện chở nhu yếu phẩm như lương thực, thuốc men, xe cấp cứu hoặc một số trường hợp đặc biệt khác mới được ra vào thành phố. Tuy nhiên, Hà nhẩm tính trong mỗi ca trực, trung bình mình vẫn phải đo thân nhiệt trên dưới 100 người.
“Nhiệm vụ này không khó, nhưng khối lượng công việc lại lớn. Thêm vào đó là nguy cơ lây nhiễm cao, bởi chúng tôi tiếp xúc với rất nhiều người, trong khi không biết họ có mang mầm bệnh hay không” - Hà phân tích.
Một thử thách khác của nhiệm vụ này, theo Hà, lại đến từ chính trang phục phòng hộ.
“Trong tiết trời mùa hè, việc phải mặc kín mít từ đầu đến chân suốt 12 tiếng của ca trực quả thực rất ngột ngạt, nhất là vào thời điểm giữa trưa, đầu giờ chiều khi mà ánh nắng gay gắt nhất” - Hà kể.
Trở về phòng nghỉ sau khi kết thúc ca trực, Hà và bạn luôn trong tình trạng áo quần ướt đẫm mồ hôi, người mệt lả, tay chân thì như “đi mượn”.
Vất vả là thế, nhưng khi kể về nhiệm vụ của mình, cô cán bộ đoàn vẫn giữ một tinh thần lạc quan: “Ngày hôm sau chúng tôi lại cảm thấy đỡ mệt hơn ngày hôm trước. Tôi tin rằng, mình sẽ sớm bắt nhịp được với công việc hiện tại”.
Trắng đêm canh gác “cửa ngõ” và lần “chạy mưa” nhớ đời
Nếu như Thu Hà nhận nhiệm vụ “canh gác” cửa ngõ Thành phố vào ban ngày, thì Nguyễn Cao Tuấn, sinh viên năm 4 Trường đại học Kỹ thuật Y-Dược Đà Nẵng lại nằm trong lực lượng trực chiến ca đêm.
Sinh ra và lớn lên tại Hà Tĩnh, nhưng với Cao Tuấn, Đà Nẵng như ngôi nhà thứ hai của cậu. Vì vậy, khi đọc được thông báo tuyển tình nguyện viên chống dịch, Tuấn điền tên ngay.
“Ngủ ngày, cày đêm”, đó là cách Tuấn gọi vui công việc của mình tại chốt C13. Với lịch trực “xuyên đêm”, từ lúc nhận nhiệm vụ đến nay, cậu sinh viên này như bắt đầu một nhịp sống hoàn mới.
Tuấn chia sẻ: “Ngay sau khi ca trực ban ngày kết thúc, chúng tôi sẽ thay các bạn đo thân nhiệt người qua chốt trong khoảng thời gian từ 18h đến 6h sáng hôm sau”.
Ngày nào cũng như vậy, mới 17h, Tuấn cùng một nam sinh viên khác trong nhóm đã ăn tối. Chỉ 30 phút sau, cả 2 cùng lên xe máy đi quãng đường 7 km từ UBND xã Hòa Phú đến Chốt, bàn giao với ca trực trước, rồi bắt đầu làm nhiệm vụ.
Để phân phối sức, nhóm trực đêm của Tuấn cũng chia nhiệm vụ: Cả 2 sẽ cùng nhau trực từ 18h đến 22h sau đó chia ra làm ca trước (22h – 2h) và ca sau (2h-6h), mỗi ca chỉ 1 người trực.
Thích ứng với thời gian biểu mới là điều không hề dễ dàng với cả 2 cậu sinh viên trường y, đã quen sinh hoạt theo “khung giờ chuẩn”, nhất là vào những ngày đầu tiên.
Tuấn tâm sự: “Trong ca trực có những lúc chúng tôi buồn ríu cả mắt lại, lúc này cà phê cũng không giúp ích được gì nhiều. Thế nhưng, đến khi hết ca trực được về phòng lại tỉnh như sáo”.
Một trong những kỷ niệm khó quên của Tuấn khi thực hiện nhiệm vụ đó là lần "chạy mưa" nhớ đời.
Theo lời kể của cậu, chốt trực là một lều dã chiến của lực lượng quân đội dựng bên mép đường. Vậy là chỉ vài mươi phút sau khi mưa, nước từ chỗ cao lại tìm về lán trại.
“12h đêm 3/8, đang trong ca trực của tôi thì trời đổ mưa to. Rất may là không có gió mạnh nên nước mưa không tạt vào người, nhưng lại phát sinh một vấn đề khác. Thấy nước bắt đầu chảy về hướng mình, lực lượng trực chốt vội vàng sơ tán vật dụng trong lều lên chỗ cao. Mỗi người một tay nên may mắn là kịp chuyển hết đồ trước khi nước tràn vào. Xong việc, anh em bở hơi tai nhưng nhìn nhau ai cũng cười", Tuấn thuật lại.
5 ngày nhận nhiệm vụ canh gác cửa ngõ thành phố, Tuấn còn gặp nhiều khó khăn nằm ngoài dự tính khác. Mỗi thử thách phải đối mặt là một câu chuyện khó quên đối với chàng trai trẻ. Tuy nhiên, kỉ niệm đáng nhớ nhất đối với cậu, từ khi tham gia chống dịch đến nay, lại đến từ một hành động ấm áp tình người.
Tuấn kể: “Tôi nhớ mãi ca trực hôm đó, cả tôi và mọi người đang vừa mệt, vừa đói thì bất ngờ được một người dân sống ở bên kia đường mang đồ ăn và nước uống sang cho. Chúng tôi đòi trả tiền, cô chỉ cười bảo: “Các chú chống dịch vất vả rồi, phải cho tôi cùng góp sức chứ”, rồi chào về”.
Trước mắt, tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng vẫn đang diễn biến phức tạp, những sinh viên y khoa trực chốt kiểm soát như Tuấn cũng không biết mình sẽ còn bao nhiêu “đêm trắng” canh gác cửa ngõ Thành phố.
Tuy nhiên, đối với lực lượng xung kích này, việc nhiệm vụ sẽ kéo dài trong bao lâu có lẽ không phải là điều cần bận tâm.
“Chúng tôi trước khi lên đường đều đã xác định chỉ về khi đã hết dịch. Nếu tình hình ở đây đã ổn, chúng tôi sẽ lại được huy động đến điểm nóng khác. Vì vậy, điều mà tôi quân tâm lúc này là làm sao hoàn thành tốt những nhiệm vụ tiếp theo và đảm bảo an toàn cho bản thân mình, cũng là cho mọi người” – Tuấn quả quyết.