1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Sinh đôi khác cha xảy ra như thế nào?

(Dân trí) - Xét nghiệm quan hệ cha con thường cho câu trả lời đơn giản, là cha hay không của đứa trẻ. Nhưng, ở một số rất hiếm các trường hợp, điều này lại có phần phức tạp hơn vì hóa ra người đàn ông chỉ có thể là cha của một trong hai đứa con sinh đôi.

Những trường hợp hy hữu

Cô Alejandrina, sống ở Anh, đã sinh đôi hai cậu con trai kháu khỉnh vào năm 2005. Hai em bé có những nét rất khác nhau, nhưng người mẹ khẳng định không hề có ai khác ngoài người đàn ông mà cô khẳng định là cha của hai đứa trẻ.

Sự thật đã được tiết lộ bởi xét nghiệm ADN: cặp song sinh thực sự có hai người cha khác nhau. Và cuối cùng mối tình “ngoài luồng” - bạn trai cũ của cô, đã đồng ý chu cấp cho một trong hai đứa con sinh đôi.

Hai anh em sinh đôi cùng mẹ khác cha: Jayla (trái) và Julius
Hai anh em sinh đôi cùng mẹ khác cha: Jayla (trái) và Julius

Một trường hợp tương tự xảy ra trong năm 2009. Mia Washington sống ở Texas (Mỹ) đã sinh đôi hai đứa con với những đặc điểm khác nhau. Xét nghiệm ADN cho thấy chỉ có một trong hai đứa trẻ là con của người chồng hiện tại.

Tháng 9/ 2015 một ông bố ở New Jersey đã được tòa án phán quyết chỉ phải chu cấp nuôi một bé gái trong cặp sinh đôi, sau khi xét nghiệm ADN chứng minh anh này không phải là cha của cả hai. Sau đó người mẹ đã thừa nhận rằng trong vòng một tuần, cô đã có quan hệ với hai người đàn ông.

Hiếm gặp, nhưng không phải là không thể

Sinh đôi khác cha được giới khoa học coi là một hiện tượng rất hiếm hoi. Năm 1997, bài báo của một chuyên gia AND - TS Karl-Hanz Wurzinger - cho thấy khoảng 1/13.000 trường hợp xác định cha con có liên quan đến cặp sinh đôi khác cha.

Những trường hợp hy hữu này được gọi là Heteropaternal superfecundation, xảy ra khi hai hoặc nhiều trứng của một người phụ nữ được thụ tinh bởi những người đàn ông khác nhau trong thời gian rụng trứng.

TS Keith Eddleman, phụ trách khoa Sản tại Bệnh viện Mount Sinai (New York, Mỹ) cho biết: Quá trình hai trứng được thụ tinh cùng lúc trong chu kỳ kinh nguyệt bởi hai tinh trùng riêng biệt được gọi là superfecundation.

Theo TS Keith Eddleman, vì trứng có tuổi thọ từ 12 - 48 giờ và tinh trùng sống được 7 - 10 ngày, nên sẽ có một khoảng thời gian “trùng nhau” chừng một tuần cho việc thụ thai của hai quả trứng bởi hai tinh trùng từ 2 lần “quan hệ” khác nhau với những người đàn ông khác nhau.

"Tình trạng này phổ biến hơn ta tưởng", TS Eddleman nói. "Trong nhiều trường hợp, bạn sẽ không bao giờ biết vì không có lý do để làm xét nghiệm cha cho hai đứa con sinh đôi"

Sách giáo khoa y học đã từng đề cập những trường hợp sinh đôi mà cha của mỗi đứa trẻ thuộc chủng tộc khác nhau. Mặc dù có vẻ như chưa có tài liệu nào thống kê những trường hợp song sinh khác cha, nhưng một số chuyên gia tin rằng hiện tượng này thường gặp hơn trong 50 năm trở lại đây là hệ quả của lối sống “hiện đại”, công nghệ sinh sản, việc kích trứng và nhiều yếu tố khác.

Sinh đôi cũng có nhiều kiểu

Dưới đây là những khả năng có thể xảy ra với những trường hợp sinh đa thai:

Sinh đôi khác cha (superfecundation): Khi một người phụ nữ có quan hệ với hai người đàn ông khác nhau trong một khoảng thời gian ngắn khi rụng trứng, thì có thể hai tinh trùng khác nhau thụ thai cho hai trứng khác nhau.

Tinh trùng có khả năng chờ trong ống dẫn trứng từ 3-5 ngày, trong khi trứng có thể chỉ sống được một vài giờ nếu thụ tinh không xảy ra. Khoảng thời gian thụ thai là tương đối hẹp, đặc biệt nếu tinh trùng của hai người đàn ông khác nhau cùng đến.

Tuy hiện tượng này khá hy hữu, song nghiên cứu cho thấy nó vẫn đang xảy ra. Y văn mới chỉ ghi nhận được 7 – 10 trường hợp sinh đôi khác cha. Một nghiên cứu năm 1992 thấy rằng sinh đôi superfecundation là nguyên nhân của hơn 2% số vụ kiện nhận cha cho con ở Mỹ liên quan đến sinh đôi.

Sinh đôi khác trứng (có chung 50% đặc điểm di truyền): Sinh đôi khác trứng là kết quả của hai tinh trùng riêng biệt thụ thai cho hai trứng riêng biệt. Hai đứa trẻ là sự kết hợp di truyền của người mẹ và người cha, nhưng chúng không có bộ gen giống hệt nhau.

Sinh đôi thể phân cực (có chung 75% đặc điểm di truyền): Có thể coi sinh đôi thể phân cực như sinh đôi bán-cùng trứng. Chúng xảy ra khi một trứng chia thành hai, tạo ra một thể chính và một thể phân cực, cả hai đều có di truyền giống hệt nhau. Trong hầu hết các trường hợp, thể phân cực có ít bào tương hơn sẽ bị chết, nhưng trong một số trường hợp cả thể chính và thể phân cực sẽ được thụ tinh bởi những tinh trùng khác nhau, tạo ra một cặp sinh đôi có di truyền giống hệt nhau về phía người mẹ và khác nhau về phía người cha.

Tuy lý thuyết về sinh đôi thể phân cực hợp lý dưới góc độ khoa học, song các chuyên gia chưa nhất trí về việc liệu sinh đôi phân cực có thực sự xảy ra trong đời thực hay không.

Sinh đôi cùng trứng (có chung 100% đặc điểm di truyền): Sinh đôi giống hệt nhau xảy ra khi một tinh trùng duy nhất thụ tinh cho một trứng duy nhất và sau đó tế bào phân chia làm hai. Hai em bé sau đó sẽ có chung đặc điểm di truyền và giống hệt nhau.

Mọi chuyện có thể phức tạp hơn trong những ca sinh 3, sinh 4 và thậm chí sinh “một lứa” gồm nhiều con. Ví dụ, người mẹ sinh ba có thể gồm hai đứa con sinh đôi cùng trứng giống hệt nhau và đứa con thứ ba từ một quả trứng và tinh trùng khác. Với sự kết hợp như vậy thì kết quả có được có thể vô cùng phức tạp.

Cẩm Tú

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm