Sẽ giảm mức chi trả với bệnh nhân khám trái tuyến
(Dân trí) - Giảm mức chi trả của bảo hiểm y tế (BHYT) với bệnh nhân khám trái tuyến, thậm chí khám trái tuyến bệnh nhân có thẻ BHYT cũng không được chi trả…
Đó là một phần nội dung dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế đang được Bộ Y tế xây dựng.
Nhưng với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế đang được Bộ Y tế xây dựng, thì với người khám đúng tuyến, mức chi trả vẫn như quy định theo từng nhóm đối tượng, nhưng có điểm mới là thanh toán 100% chi phí đối với trường hợp số tiền mà người bệnh đã cùng chi trả trong năm lớn hơn 12 tháng lương cơ bản (trừ người khám, chữa vượt tuyến, trái tuyến và sử dụng thuốc ngoài danh mục).
Đặc biệt, mức phí BHYT chi trả với người khám, chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến cũng được đề xuất thay đổi.
Theo đó, 2 phương án đang được đưa ra để lấy ý kiến. Phương án thứ nhất là quỹ bảo hiểm thanh toán theo tỷ lệ % cả với trường hợp điều trị nội trú và ngoại trú. Trong đó, nếu điều trị nội trú, người bệnh sẽ được chi trả các mức 20, 40 và 60% tùy theo xếp hạng bệnh viện (bệnh viện hạng I, II, III, IV đặc biệt hay chưa xếp hạng). Nếu đi khám ngoại trú thì họ sẽ được chi trả ở các mức 10, 20 và 30% chi phí tùy theo xếp hạng bệnh viện.
Phương án thứ 2 là quỹ bảo hiểm chỉ thanh toán theo tỷ lệ % với trường hợp điều trị nội trú. Tỷ lệ tương ứng như phương án 1.
Ví dụ như bệnh nhân vượt tuyến lên bệnh viện hạng đặc biệt trực thuộc Bộ để khám chữa bệnh ngoại trú thì họ sẽ chỉ được quỹ bảo hiểm chi trả 10% mức phí nếu được. Nếu điều trị ngoại trú tại đây, họ cũng sẽ chỉ được quỹ bảo hiểm chi trả 20%.
Như vậy, mức được chi trả của bệnh nhân BHYT khi đi khám vượt tuyến sẽ thấp hơn rất nhiều so với quy định trước đó của luật.
Ngoài ra, dự thảo này cũng đề xuất nâng mức đóng bảo hiểm lên 6% lương cơ bản thay vì 4,5% như hiện nay.
Tú Anh