1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Sẽ chặt đứt các đường dây cung cấp chất cấm trong chăn nuôi

(Dân trí) - Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định năm 2015 là năm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông sản và sẽ áp dụng những biện pháp quyết liệt để phấn đấu không còn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và trong thủy sản, không có dư lượng trong sản phẩm.

Ngày nay, chúng ta đã đảm bảo cung cấp đủ số lượng về lương thực, thực phẩm cho nhân dân, người tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, đa số người dân hiện nay quan tâm chủ yếu đến chất lượng và an toàn thực phẩm.  Mặc dù các địa phương đã có nhiều nỗ lực nhưng đánh giá chung tình hình ATTP không xấu đi nhưng chưa được cải thiện như mong đợi của nhân dân. Do đó, trong năm 2015 Bộ sẽ điều chỉnh cách làm và làm quyết liệt hơn để tạo ra sự chuyển biến rõ nét.

“Tôi đã đề xuất lấy năm 2015 là năm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong lĩnh vực nông nghiệp và tôi cũng vừa báo cáo với Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cũng như lãnh đạo địa phương. Phó Thủ tướng và một số địa phương đã thể hiện sự ủng hộ vì đây cũng chính là điều tôi trăn trở nhất”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định tại cuộc họp báo về kế hoạch năm 2015 của ngành NN&PTNT diễn ra chiều ngay 25/12 tại Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát tại buổi họp báo (Ảnh: T. Nguyên)
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát tại buổi họp báo (Ảnh: T. Nguyên)

Những vấn đề dư luận quan tâm là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong rau, trái cây, chè… những nông sản thường sử dụng nhất. Đối với sản phẩm chăn nuôi và thủy sản, vấn đề quan tâm là tồn dư chất cấm và kháng sinh.

Kết quả xét nghiệm cho thấy dư lượng thuốc BVTV trong rau còn khoảng 5-6%. Vì vậy, Bộ NN&PTNT sẽ có những hành động quyết liệt để giảm tỷ lệ thuốc BVTV trong nông sản vượt mức cho phép, đặc biệt là trong rau, trái cây, chè.

Cụ thể, dư lượng chủ yếu có liên quan đến việc sử dụng thuốc BVTV của người trồng rau, trồng trái cây, bảo quản, buôn bán; vì thế năm 2015, Bộ sẽ xây dựng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), đồng thời tiếp tục gia tăng kiểm soát.

“Chúng tôi đang nghiên cứu một đề xuất của Liên minh châu Âu để phát huy cao hơn 2 hệ thống: Một hệ thống hướng dẫn nhân dân sử dụng đúng hơn thông qua chương trình IPM và hệ thống quản lý chất lượng thì phải tăng cường giám sát,” Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Mục tiêu đưa dư lượng về số 0 chứ không phải là dư lượng ít

Còn với kháng sinh, Bộ đang chỉ đạo các cơ quan chăn nuôi và thú y tăng cường giám sát không chỉ ở cấp trung ương mà quan trọng là ở cấp địa phương để phấn đấu không còn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và trong thủy sản để không có dư lượng trong sản phẩm.

Sẽ lấy năm 2015 là năm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông sản (Ảnh minh họa)
Sẽ lấy năm 2015 là năm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông sản (Ảnh minh họa)

Còn về kháng sinh, hiện nay phát hiện một số trường hợp có dư lượng kháng sinh ở trong thịt và trong tôm, cá tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu. Hiện nay Bộ đã có văn bản chỉ đạo và sắp tới sẽ có những giải pháp quyết liệt hơn bao gồm cả kiểm soát về chất lượng thức ăn chăn nuôi và giám sát việc sử dụng thuốc bởi các hộ nuôi trồng.

“Chất cấm được đưa vào trong chăn nuôi qua 2 đường: Một số doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi đưa vào để tạo ra hình ảnh chất lượng thức ăn chăn nuôi của họ là tốt, con gia súc gia cầm lớn nhanh, hình thể đẹp; cách 2 là người nuôi tự pha trộn. Với cách 1 thì chúng tôi sẽ tăng cường giám sát với doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi. Vừa qua chúng tôi đã phối hợp với các địa phương giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm này và sẽ tiếp tục công tác này năm 2015. Tuy nhiên, việc phát hiện và xử lý các hộ tự pha trộn không dễ nhưng với sự vào cuộc của chính quyền cơ sở và các đoàn thể sẽ có thể phát hiện và ngăn chặn việc này. Về các cơ quan chức năng, để phát hiện sử dụng chất cấm thì cần giám sát tại các lò mổ thông qua xét nghiệm nước tiểu, thịt và truy ngược lại nguồn gốc để có biện pháp xử lý…Vấn đề là chặt đứt đường dây cung cấp chất cấm trong chăn nuôi,” Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định.

Theo Bộ trưởng Phát, vấn đề giết mổ khá phức tạp, Thủ tướng đã chỉ đạo nhiều năm nhưng chuyển biến còn chậm. Nếu chỉ dùng các biện pháp hành chính thì không đủ. Sắp tới, Bộ dự kiến sẽ tham mưu Chính phủ ban hành chính sách khuyến khích phát triển và nhân rộng các hình thức giết mổ đảm bảo VSATTP.

Nguyên An