1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Sơ cứu ngộ độc thực phẩm ở trẻ nhỏ:

"Sẩy 1 ly đi 1 dặm"

(Dân trí) - “Có tới 53% bệnh nhi bị ngộ độc phải vào viện cấp cứu là do ngộ độc thực phẩm. Đáng nói là tình trạng sơ cứu sai của cha mẹ khiến nhiều trẻ từ chỗ bị ngộ độc nhẹ dẫn đến di chứng lâu dài”, BS Nguyễn Văn Lộc, Phó GĐ BV Nhi TƯ cảnh báo.

Ngộ độc các loại thực phẩm thông thường chiếm tỷ lệ phổ biến nhất trong các ca ngộ độc trẻ em. Việc đơn giản là ăn sạch uống chín đối với không ít phụ huynh vẫn chưa trở thành thói quen. Đôi khi, chỉ vì một chút cẩu thả của cha mẹ trong chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc cho trẻ đi ăn uống ở những quán hàng không đảm bảo vệ sinh cũng khiến trẻ phải hứng chịu hậu quả. Còn ngộ độc do nguyên nhân độc tố của tôm cua, thịt cóc chiếm tỷ lệ không đáng kể.

 

Ngoài ra, nguyên nhân ngộ độc do ăn, uống nhầm các loại hoá chất độc hại cũng được các gia đình cảnh báo. Có một thực tế, nhiều gia đình để các loại hoá chất như thuốc tẩy, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt mối… trong tầm tay trẻ, trẻ tò mò nếm thử dẫn đến ngộ độc. Hay như có gia đình lại thường để các loại thuốc tẩy vào vỏ chai lavie khiến trẻ nhầm thưởng là nước uống.

 

Nguyên nhân dẫn đến các ca ngộ độc trẻ em chủ yếu là do sự bất cẩn của cha mẹ. Theo thống kê tại Bệnh viện nhi TƯ, 100% các ca trẻ em bị ngộ độc cấp là do mắc phải, chưa có ca nào do trẻ cố ý. Đặc biệt, số ca ngộ độc tập trung chủ yếu vào nhóm trẻ nhỏ (từ 1 đến 8 tuổi) - lứa tuổi chưa có nhận thức đầy đủ và chưa hoàn thiện về thể chất.

 

BS Lộc cho biết, cơ thể trẻ em dễ bị nhiễm bệnh hơn người lớn và cũng gặp nhiều phức tạp hơn trong quá trình điều trị. Trẻ bị ngộ độc thực phẩm thường có những dấu hiệu rất rõ rệt như nôn, tiêu chảy…

 

BS Lộc nhấn mạnh: Khi trẻ có những biểu hiện đầu tiên của ngộ độc thực phẩm, phải ngừng ngay không ăn món đó nữa. Khẩn trương gây nôn cho trẻ để tống hết thức ăn ra ngoài. Có thể gây nôn bằng cách uống đầy nước rồi móc họng để gây nôn. Nhưng cần lưu ý móc họng trẻ cho khéo, tránh làm xây xát họng. Phải để trẻ nằm đầu thấp, đầu hơi nghiêng rồi móc họng để trẻ nôn thức ăn ra. Trong quá trình gây nôn phải luôn phải khăn để lau chùi. Móc sạch thức ăn trẻ nôn ra rồi dùng khăn mềm lau sạch miệng trẻ. Nếu bị sặc lên mũi, cần nhanh chóng dùng miệng hút mũi trẻ nếu không trẻ sẽ bị sặc, khó thở,  có thể dẫn đến tử vong.

 

Tiếp đến phải cho trẻ nằm nghỉ, ăn thức ăn loãng, cho trẻ uống nhiều nước và uống từng chút một (có thể sử dụng Oresol theo đúng chỉ dẫn). Nếu trẻ vẫn bị nôn nhiều, tiêu chảy… nhất thiết phải đưa trẻ tới bệnh viện.

 

Khi trẻ có biểu hiện kém ăn, kém chơi cũng phải theo dõi, đề phòng các biểu hiện ngộ độc thực phẩm tiềm ẩn sau đó. Đặc biệt, trong mọi trường hợp, các phụ huynh không được tự ý cho trẻ uống thuốc, mà phải cho trẻ uống thuốc đúng và đủ theo đơn kê của bác sỹ.

 

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm