Sau nhát cắn của "con không chân", nhiều người hoại tử vì trúng độc

Minh Nhật Ngọc Minh

(Dân trí) - Theo BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, số lượng rắn độc tại Việt Nam rất nhiều, đặc biệt là rắn hổ mang.

Như thường ngày, ông Phương (tên nhân vật đã được thay đổi), 53 tuổi, sống tại Thanh Hóa ra sân vườn phơi cỏ. Đột nhiên, một con rắn hổ mang từ trong đống cỏ lao ra, cắn vào ngón tay cái của ông.

Sau nhát cắn của con không chân, nhiều người hoại tử vì trúng độc - 1

Hình ảnh con rắn cắn bệnh nhân (Ảnh: Minh Nhật).

"Tôi có nhìn thấy con rắn. Nó bé bằng ngón tay cái của tôi", ông Phương kể lại.

Người đàn ông bị rắn cắn vào khoảng 16h. Sau đó, ông được người nhà nhanh chóng đưa vào bệnh viện địa phương cấp cứu với bàn tay căng phồng, ngón tay bị cắn thâm đen.

Sau nhát cắn của con không chân, nhiều người hoại tử vì trúng độc - 2

Tay bệnh nhân sưng vù sau khi bị rắn cắn (Ảnh: Minh Nhật).

Ông Phương chia sẻ: "Đêm hôm đó, tôi cảm thấy tay đau nhức không chịu được". Nửa đêm, gia đình quyết định xin chuyển ông lên Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

Tại đây, bệnh nhân đã được các bác sĩ truyền huyết thanh kháng nọc rắn độc. Hiện tại, bệnh nhân tiếp tục được thực hiện xử lý nhiễm trùng.

Cùng ngày hôm đó, bà Thắm (tên nhân vật đã được thay đổi), 49 tuổi cũng được cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai do bị rắn hổ mang cắn.

Sau nhát cắn của con không chân, nhiều người hoại tử vì trúng độc - 3

Bà Thắm bị rắn hổ mang cắn (Ảnh: Minh Nhật).

Khi trời chập choạng tối, bà Thắm ra ruộng để tháo nước thì bất ngờ bị một con rắn từ trong máng bổ ra cắn vào bàn tay.  

Đến thời điểm hiện tại, bệnh nhân đã được các y bác sĩ truyền huyết thanh. Tuy vậy, bà Thắm cho biết: "Tôi vẫn cảm thấy vô cùng đau tay. Thi thoảng, đầu tôi còn đau như búa bổ".

Các bác sĩ đánh giá đây là một trường hợp còn được xem là nhẹ do chưa bị hoại tử. Có những trường hợp nhập viện muộn thì hậu quả rất khôn lường.

Sau nhát cắn của con không chân, nhiều người hoại tử vì trúng độc - 4

Rắn hổ mang cắn có thể dẫn đến hoại tử (Ảnh: Minh Nhật).

Theo BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, số lượng rắn độc tại Việt Nam rất nhiều, đặc biệt là rắn hổ mang. Xếp thứ hai là rắn lục đuôi đỏ. Tuy nhiên, rắn hổ mang vẫn là loài đáng sợ nhất do có thể gây hoại tử ngay lập tức bộ phận bị cắn.

Người dân Việt Nam thường có thói quen chủ động bắt rắn. Điều này dẫn đến những trường hợp nguy hiểm tính mạng. Bên cạnh đó, những tai nạn hi hữu cũng có thể xảy ra do sự thiếu thận trọng của người dân.

"Người dân thường không đeo găng tay hay đồ bảo hộ khi làm việc, không sử dụng các công cụ hỗ trợ như đèn, gậy nên khả năng bị cắn là rất cao", BS Nguyên cho hay. Theo BS Nguyên, đôi khi chính sự thiếu quan sát trong đời sống sinh hoạt và lao động cũng khiến người dân dễ bị rắn cắn.

Sau nhát cắn của con không chân, nhiều người hoại tử vì trúng độc - 5

BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh: Minh Nhật).

Ngày nay, rắn hổ mang sinh sống xen kẽ với con người, đặc biệt tại các khu dân cư. Do môi trường sinh sống tự nhiên bị thu hẹp nên chúng buộc phải thích nghi.

BS Nguyên đánh giá khả năng thích nghi của rắn hổ mang là rất tốt. Chúng có thể tồn tại trong mọi ngóc ngách, từ đống gỗ, đống gạch đến đống rác. Thức ăn của rắn hổ mang vô cùng "quen thuộc" như: trứng, gà con, cóc, chuột và bọ.

Bên cạnh việc nêu cao ý thức cảnh giác, BS Nguyên nhắc nhở người dân cần kiểm tra kỹ lưỡng môi trường sinh hoạt và làm việc. Điều này giúp hạn chế tình huống nguy hiểm xảy ra.

Không chỉ vậy, người bị rắn cắn cần đến ngay cơ sở y tế an toàn để điều trị kịp thời.

Ngoài ra, người dân không nên tự chữa mẹo tại nhà. Không nên tìm mua thuốc không rõ nguồn gốc từ những "thầy lang băm". Nên chuẩn bị kiến thức cơ bản về sơ cứu vết thương do rắn cắn.