Sau nâng ngực có cho con bú được không?

(Dân trí) - Năm nay 20 tuổi, em rất mặc cảm vì bầu ngực lép kẹp nên muốn đi nâng ngực. Tuy nhiên, em nghe mọi người nói phụ nữ chưa sinh con thì không nên nâng ngực vì sợ sau này không cho con bú được.

Xin hỏi bác sĩ phụ nữ sau khi nâng ngực có cho con bú được không? Em chưa lập gia đình. (Thúy Vy)

Ths.BS Nguyễn Đình Minh, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình-Thẩm mỹ và Hàm mặt, Bệnh viện E (Hà Nội): Ngày nay có rất nhiều phụ nữ trẻ (đặc biệt là phụ nữ Á Đông) có thiểu sản tuyến vú tuy nhiên chưa lập gia đình, có nhu cầu nâng ngực. Tuy vậy, giống như bạn rất nhiều người cũng băn khoăn việc đặt túi có ảnh hưởng việc cho con bú. 

Thực tế, việc phẫu thuật đặt túi nâng ngực không ảnh hưởng việc cho con bú. 

Sau nâng ngực có cho con bú được không? - 1
ThS.BS Nguyễn Đình Minh, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt, Bệnh viện E.

Về giải phẫu ngực, mô tuyến tiết sữa và toàn bộ hệ thống ống tuyến nằm phía trên của cơ ngực lớn, phía dưới cơ ngực lớn là cơ ngực bé. Phẫu thuật nâng cấp vòng 1 không ảnh hưởng đến việc cho con bú. Lý do vì khi phẫu thuật, các bác sĩ không chạm đến tuyến vú và ống dẫn sữa, mà đặt túi ngực ở giữa lớp cơ ngực lớn và cơ ngực bé. Như vậy, túi ngực đã được ngăn cách với mô tuyến bởi cơ ngực lớn, vì vậy không có sự tiếp xúc trực tiếp giữa túi và tuyến vú hay ống tuyến. 

Với chị em chưa sinh nở, bác sĩ sẽ sử dụng đường mổ qua nách hoặc dưới chân ngực để tránh ảnh hưởng tuyến vú và ống dẫn sữa. Ngoài ra, nên lựa chọn đặt size túi ở mức độ trung bình, không quá lớn đảm bảo sự tự nhiên và không xảy ra hiện tượng sa trễ do tuyến vú quá nặng khi cho con bú khi thể tích vú tăng lên nhanh. 

Khoảng một năm sau khi nâng ngực, chị em có thể sinh con, như vậy vú đã hoàn toàn định hình và ổn định. 

Với những chị em có tình trạng tụt núm vú, khi đặt túi ngực có thể làm núm vú trở lại bình thường do có lực đẩy của mô độn ở phía dưới. Nhờ đó, việc cho con bú dễ dàng hơn rất nhiều. 

Khi cho con bú, chị em cần cho con bú đều hai bên để tránh bị hiện tượng ngực to ngực bé hoặc có độ sa trễ không đều. Khi trẻ không ăn nữa hoặc đã hết sữa thì dừng lại không để trẻ tiếp tục nhay hoặc kéo ngực gây sa trễ.