Sau mắc ung thư thực quản 5 năm, người đàn ông phát hiện ung thư phổi

Tú Anh

(Dân trí) - Ngày 20/10, Bệnh viện K thông tin vừa thực hiện ca phẫu thuật điều trị ung thư phổi thành công cho ca bệnh khá đặc biệt, trước đó 5 năm bệnh nhân phát hiện ung thư thực quản.

Ông P.I.L. (70 tuổi) là một trường hợp người bệnh khá đặc biệt, cách đây 5 năm ông đã điều trị ung thư thực quản tại Bệnh viện K. Khi đi khám định kỳ sau điều trị căn bệnh này, ông được phát hiện ung thư phổi.

5 năm trước, tháng 5/2016, ông L. đi khám khi có dấu hiệu nuốt nghẹn, gầy sút cân. Tại Bệnh viện K, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc ung thư thực quản 1/3 giữa giai đoạn T3N1M0, kết quả giải phẫu bệnh cho thấy ung thư biểu mô vảy.

Bệnh nhân được điều trị hóa xạ đồng thời triệt căn, đánh giá bệnh đáp ứng hoàn toàn và duy trì tái khám định kỳ 3-6 tháng một lần cho đến nay.

Trong lần khám gần đây, dù không có triệu chứng, nhưng kết quả chụp X-quang của bệnh nhân cho thấy có tổn thương phổi. Vì thế, các bác sĩ đã tiến hành các xét nghiệm chuyên sâu, đánh giá, phát hiện bệnh nhân bị ung thư phổi.

Sau mắc ung thư thực quản 5 năm, người đàn ông phát hiện ung thư phổi - 1

Bệnh nhân khỏe khoắn sau phẫu thuật ung thư phổi, dù trước đó 5 năm ông được phát hiện, điều trị ung thư thực quản.

TS.BS Nguyễn Khắc Kiểm, Trưởng khoa phẫu thuật lồng ngực cho biết: "Thời điểm đầu, các bác sĩ nghĩ đến tổn thương di căn từ thực quản. Tuy nhiên, qua đánh giá rất kỹ phim chụp với hình ảnh khối u đơn độc kích thước khoảng 4cm, bờ thùy múi kèm hạch nhỏ rốn phổi 15mm, chúng tôi nghĩ nhiều hơn tới một ung thư nguyên phát hơn là tổn thương di căn. Kết quả giải phẫu bệnh và hóa mô miễn dịch qua sinh thiết là ung thư biểu mô tuyến của phổi".

Theo TS Kiểm, ca phẫu thuật là khó khăn với một bệnh nhân tuổi cao, kèm theo tiền sử xạ trị lồng ngực do điều trị ung thư thực quản trước đó, có thể dẫn đến phổi xơ dính, gây khó khăn cho việc phẫu tích cắt thùy phổi và vét hạch trung thất, có nguy cơ chảy máu và các biến chứng khác trong và sau mổ.

Tuy nhiên, với ca bệnh này, phẫu thuật vẫn là lựa chọn ưu tiên. Vì thế, sau khi tính toán kỹ các khả năng, các bác sĩ quyết định thực hiện ca phẫu thuật cho bệnh nhân.

Ca phẫu thuật được thực hiện vào cuối tháng 9 vừa qua. Sau 4 giờ phẫu thuật căng thẳng, bệnh nhân L. đã được cắt thùy phổi kèm vét hạch thành công. Bệnh nhân hậu phẫu ổn định, không có viêm phổi, rút dẫn lưu màng phổi ngày thứ 4 sau mổ và bệnh nhân có thể tập đi lại ngay sau khi rút dẫn lưu. Ngày thứ 12, bệnh nhân được ngoại trú chờ chuyển khoa để tiếp tục điều trị hóa chất bổ trợ tiếp.

TS Kiểm khuyến cáo, qua trường hợp của bệnh nhân L., có thể thấy với người bệnh ung thư, việc theo dõi và tái khám định kỳ là vô cùng quan trọng. Theo dõi định kỳ sẽ giúp người bệnh có thể phát hiện sớm các tổn thương tái phát hoặc phát hiện tiếp bệnh ung thư khác ở giai đoạn sớm từ khi chưa có triệu chứng, nhờ vậy hiệu quả điều trị sẽ khả quan hơn rất nhiều. Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo người bệnh nên tuân thủ phác đồ điều trị và lời khuyên của bác sĩ để khám, theo dõi sức khỏe, điều trị kịp thời, hiệu quả.