Sàng lọc ung thư đại trực tràng ở người không triệu chứng

Ở Việt Nam, ung thư đại trực tràng là loại ung thư phổ biến thứ 5 sau ung thư gan, phổi, dạ dày và ung thư vú và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Sàng lọc ung thư đại trực tràng, xử lý sớm polyp để tránh tiến triển ung thư.

 

Sự tiến triển của polyp thành ung thư

Ở Mỹ, nhờ có chương trình sàng lọc ung thư đại trực tràng nhiều năm qua đã làm giảm tỷ lệ tử vong do căn bệnh này. Hầu hết ung thư đại trực tràng phát sinh từ các polyp tuyến của đại tràng, tiến triển từ các polyp nhỏ < 8mm, đến lớn hơn > 8mm, sau đó loạn sản và ung thư biểu mô.

Polyp tuyến gặp 30% nam giới và 20% nữ giới. Khi phát hiện polyp thì cần được cắt và làm giải phẫu bệnh bời vì mắt thường không phân biệt được đó là polyp tuyến hay polyp tăng sản (một dạng tiền ung thư). Sự tiến triển từ polyp tuyến thành ung thư biểu mô khoảng 10 năm.

Các phương pháp sàng lọc

Nội soi đại tràng toàn bộ: Đây là phương pháp sàng lọc ung thư đại trực tràng phổ biến nhất ở Mỹ, được thực hiện mỗi 10 năm. Sau khi đại tràng được chuẩn bị, bác sĩ sẽ cho ống nội soi qua đường hậu môn để quan sát trực tràng, đại tràng. Bệnh nhân có thể chọn gây mê hay không.

Ưu điểm: Phát hiện các tổn thương tiền ung thư và ung thư đại trực tràng với độ nhạy cao: u tuyến < 5mm, 6 - 9mm, > 1cm và ung thư đại trực tràng lần lượt là 75%, 85%, 95%, 95% và độ nhạy chấp nhận được (86%); Nội soi đại tràng có thể phát hiện và sinh thiết các polyp hay ung thư đại trực tràng cùng một lúc.

Nhược điểm: Bệnh nhân cần chuẩn bị đại tràng trước khi soi, cảm thấy khó chịu khi soi; Rủi ro tuy ít nhưng có thể gặp như chảy máu, thủng, nhiễm trùng. Biến chứng này phụ thuộc vào kinh nghiệm người soi, tuổi, bệnh đi kèm, có cắt polyp hay không… Vì vậy, cần soi ở nơi có máy móc và nhân viên y tế được đào tạo.

Xét nghiệm máu ẩn trong phân (FOB): Là một xét nghiệm phát hiện một lượng máu nhỏ trong phân mà mắt thường không quan sát được. Nguyên nhân có thể do polyp, ung thư đại trực tràng, viêm loét đường tiêu hóa, viêm ruột… Một số thuốc như thuốc chống viêm không steroid, vitamin C... ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.

Kết quả nếu dương tính chứng tỏ có tổn thương đường tiêu hóa, bệnh nhân cần nội soi dạ dày - đại tràng.

Ưu điểm: Xét nghiệm đơn giản, rẻ tiền, dễ làm. Bệnh nhân có thể tự lấy xét nghiệm tại nhà. Là xét nghiệm không xâm lấn, bệnh nhân không phải chuẩn bị đại tràng; Có thể áp dụng sàng lọc đại trà ở cộng đồng.

Nhược điểm: Xét nghiệm phải được thực hiện hàng năm, mỗi đợt phải lấy mẫu 3 ngày liên tiếp; Độ nhạy khá thấp, đặc biệt đối với các tổn thương u tuyến kích thước nhỏ. Độ nhạy lần lượt với u tuyến < 5mm, 6 - 10mm, > 1cm, ung thư đại trực tràng là 7,5%, 12,4%, 23,9% và 70%. Độ đặc hiệu là 92,5%.

Một số xét nghiệm khác để phát hiện máu trong phân: Xét nghệm khá đắt tiền, không sử dụng phổ biến tại Việt Nam như xét nghiệm miễn dịch tìm hemoglobin trong phân; Xét nghiệm ADN phân đa mục tiêu.

Chụp cắt lớp vi tính lớp cắt mỏng (trước đây gọi là nội soi ảo) để dựng hình niêm mạc đại trực tràng. Bệnh nhân cần chuẩn bị đại tràng trước khi chụp.

Ưu điểm: Độ nhạy tương tự với nội soi đại tràng với tổn thương > 1cm, kém hơn với tổn thương < 1cm; Thường áp dụng với người lớn tuổi, nhiều bệnh kèm theo, chống chỉ định với nội soi đại tràng.

Nhược điểm: Nếu phát hiện tổn thương vẫn phải nội soi đại tràng để sinh thiết. Phải chuẩn bị đại tràng tốt trước khi chụp nếu không tổn thương sẽ bị che mờ hoặc dương tính giả do hình ảnh của phân giống polyp nhỏ. Chụp 5 năm/1 lần. Có nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ.

Theo trung tâm kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) và nguồn lực y tế của Việt Nam khuyến cáo, sàng lọc ung thư đại trực tràng cho bệnh nhân nguy cơ trung bình gồm: Tuổi từ 50 – 75 tuổi.

Cách thực hiện: Nội soi đại trực tràng mỗi 10 năm; Xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân (FOB) 1 năm/1 lần. Chụp cắt lớp vi tính mỗi 5 năm.

Theo Khoahocdoisong.vn