Sáng kiến về quản lý tiêm chủng điện tử của Việt Nam đạt giải thưởng quốc tế
(Dân trí) - Sáng kiến phần mềm đăng ký tiêm chủng của Việt Nam là 1 trong 4 sáng kiến đạt giải trị giá 400.000 đô la Mỹ. Hiện tổ chức này đang phối hợp với Bộ Y tế thí điểm tại Bến Tre, hướng đến nhân rộng để quản lý tiêm chủng điện tử trên toàn quốc.
Sáng 8/3, tại Hà Nội diễn ra Lễ công bố giải thưởng Đổi mới trong chăm sóc sức khỏe lần thứ 3.
Sáng kiến phầm mềm đăng ký, tiêm chủng của PATH- tổ chức quốc tế tại Việt Nam với những tính năng giúp quản lý công tác tiêm chủng bằng hệ thống công nghệ thông tin, tiết kiệm thời gian cho cán bộ y tế, giúp tăng tỷ lệ tiêm chủng đúng lịch bằng cách tạo danh sách hẹn tiêm và tự động gửi tin nhắn SMS nhắc lịch tiêm chủng đến đối tượng... là 1 trong 4 sáng kiến (Sáng kiến phần mềm đăng ký tiêm chủng; Công cụ kiểm soát và thanh tra những trường hợp tử vong ở trẻ nhỏ tại các bệnh viện ở châu Phi; Một chiếc túi nhỏ để cung cấp thuốc điều trị HIV chính xác cho trẻ sơ sinh tại Ecuador và chương trình cung cấp chăm sóc trước và sau sinh cho bà mẹ và trẻ em tại vùng nông thôn Kenya) đã được trao giải thưởng này.
Tiến sỹ Nguyễn Tuyết Nga, đại diện Tổ chức PATH, tại Việt Nam cho biết, sáng kiến này đã được áp dụng tại Bến Tre từ năm 2011. Nhờ hệ thống này tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ của trẻ trong năm đầu đời đã tăng từ 74,3% lên 77,8% trong một năm thử nghiệm và tỷ lệ tiêm chủng đúng lịch cho các vắc xin đã tăng trong khoảng 10-14%. Thời gian lập danh sách tiêm chủng cho trẻ em hàng tháng đã giảm từ 1 - 2 ngày (viết tay) xuống còn 5 - 10 phút.
“Thay vì lưu hồ sơ bằng cách viết tay, mất thời gian và dễ gặp sai sót, áp dụng sáng kiến này, nhân viên y tế sử dụng máy tính hoặc điện thoại thông minh để giám sát các kho bảo quản vắc xin, tiếp nhận đăng ký tiêm chủng cho phụ nữ có thai và trẻ em; đồng thời theo dõi các mũi vắc xin đã tiêm cho các đối tượng. Bên cạnh đó, thông qua dịch vụ tin nhắn, nhân viên y tế có thể nhắc các bà mẹ về lịch tiêm chủng đúng lịch cho bản thân và con em mình”, TS Nga nói.
Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, qua 30 năm triển khai TCMR, hàng trăm triệu liều vắc xin được tiêm miễn phí cho trẻ em để phòng ngừa 12 loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Theo TS Phu, trong quá trình tiêm chủng, việc tổ chức, quản lý đối tượng tiêm chủng, quản lý đối tượng trẻ em được sinh ra đóng vai trò quan trọng nhằm đánh giá chính xác được tỷ lệ tiêm chủng, qua đó nâng cao được miễn dịch cộng đồng.
Tuy nhiên hiện nay, sự di dân ở các thành phố lớn, việc quản lý đối tượng tiêm chủng do nhiều cơ quan phụ trách nên phương pháp truyền thống là viết tay, sổ sách để quản lý đối tượng tiêm chủng, đặc biệt là tiêm dịch vụ đã bộc lộ nhiều hạn chế dẫn đến việc không tính được chính xác tỷ lệ tiêm chủng, không dự kiến được nhu cầu vắc xin dẫn đến tình trạng thiếu vắc xin cục bộ, không đạt tỷ lệ tiêm chủng; mất sổ tiêm chủng khiến gia đình không nhớ mũi tiêm...
Vì vậy, hiện nay Bộ Y tế đang triển khai công nghệ tin học trong báo cáo bệnh truyền nhiễm, bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh. Trong đó phần mềm quản lý tiêm chủng đã được triển khai tại Bến Tre PAHT xây dựng và giúp đỡ triển khai. “Sử dụng phần mềm tiêm chủng sẽ làm tốt việc quản lý đối tượng tiêm chủng suốt đời cho mỗi con người, tăng sự kết nối giữa các đối tượng tiêm chủng và cơ sở tiêm chủng như nhắc lịch tiêm qua tin nhắn, qua trang thông tin điện tử về tiêm chủng. Đồng thời giúp các nhà quản lý thống kê số liệu tiêm chủng.
Cũng liên quan đến vấn đề tiêm chủng, theo Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 3 trẻ tử vong sau khi tiêm vắc xin, trong đó 2 trường hợp sốc phản vệ sau khi tiêm vắc xin Quinvaxem tại Quảng Ninh và Đồng Nai, trường hợp còn lại tử vong sau khi tiêm vắc xin viêm gan B ở tỉnh Tây Ninh.
Hồng Hải