Săn tìm các phân tử khối u bằng sinh thiết lỏng

Sinh thiết lỏng là phương pháp không xâm lấn săn tìm các phân tử của khối u lưu hành tự do trong máu hoặc dịch cơ thể. Đây là phương pháp có tiềm năng và hứa hẹn trong y học để chẩn đoán ung thư.

Xu hướng chẩn đoán ung thư của thế giới

Hằng năm thế giới có tới 8.2 triệu người chết vì ung thư do không tiếp cận được với các phương pháp chẩn đoán và điều trị ung thư thích hợp. Các phương pháp chẩn đoán ung thư hiện tại vẫn chủ yếu dựa vào chẩn đoán hình ảnh (nội soi, siêu âm, X-quang...), chẩn đoán giải phẫu bệnh qua sinh thiết khối u, xét nghiệm một số marker ung thư…

Chẩn đoán dựa trên phương pháp sinh thiết lỏng không xâm lấn đang trở thành xu hướng của thế giới, trong đó việc săn tìm các phân tử ADN khối u lưu hành tự do trong máu và dịch cơ thể được chú ý hơn cả.

Săn tìm các phân tử khối u bằng sinh thiết lỏng - 1

Năm 2016, FDA đã chấp thuận sử dụng sinh thiết lỏng trong chẩn đoán ung thư phổi. ADN khối u lưu hành tự do (ctDNA) được tìm thấy trong máu và dịch cơ thể, nó có nguồn gốc từ các tế bào ung thư và khối u. Hầu hết ADN ở trong nhân của tế bào, khi khối u ung thư phát triển, các tế bào chết đi ctDNA được giải phóng ra máu và dịch cơ thể. ctDNA thông thường kích thước nhỏ hơn 200 bp và nồng độ rất thấp khoảng 0.1 - 1%.

Hiện nay, phương pháp sinh thiết lỏng ngày càng nổi bật do lợi ích mà nó mang lại như:

- Phát hiện và chẩn đoán ung thư, giảm thiểu khả năng phải sinh thiết khối u, đặc biệt là đối với những mô ung thư khó can thiệp như não, phổi.

- Hướng tới liệu pháp điều trị đích với từng loại ung thư. Phân tích dữ liệu sử dụng ctDNA giúp bác sĩ xác định phương pháp điều trị hiệu quả nhất. Tuy nhiên, hiện tại FDA còn rất hạn chế trong việc cho phép sử dụng ctDNA để cá thể hóa điều trị ung thư.

- Theo dõi điều trị, khắc phục nhược điểm của sinh thiết khối u đó là không thể theo dõi được sự thay đổi động của khối u do sinh thiết không đồng nhất và phải sinh thiết lại trên bệnh nhân. Sinh thiết lỏng có thể đánh giá được việc giảm nồng độ ctDNA cho thấy kích thước khối u đang thu hẹp và có đáp ứng với điều trị.

- ctDNA trong máu được sử dụng để đánh giá sự tái phát ung thư. Hiện nay, trên thế giới đang nghiên cứu và sử dụng một số dấu ấn trong sinh thiết lỏng bao gồm các Protein, các tế bào khối u lưu hành, ctDNA, ctRNA và exosome. Tuy nhiên, ctDNA vẫn là dấu ấn được sử dụng phổ biến trong huyết tương hoặc dịch cơ thể của bệnh nhân ngay cả ở giai đoạn đầu của bệnh.

Với lợi ích rõ ràng cũng như tiềm năng của sinh thiết lỏng, việc sử dụng ctDNA trong thực hành lâm sàng là một xu hướng. Tuy nhiên, vấn đề phải đối diện với thách thức trong thực hành chẩn đoán là rất lớn. Bởi lẽ nồng độ ctDNA rất thấp so với nồng độ ADN lưu hành tự do cfDNA trong máu và lượng ctDNA phụ thuộc và loại ung thư, giai đoạn ung thư, kích thước khối u, do vậy việc phát hiện các đột biến trên các đoạn ctDNA đích còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn chẩn đoán, giải thích dữ liệu còn chưa rõ ràng và số liệu còn chưa nhiều cũng là những hạn chế đáng kể.

Phát hiện đột biến gene ung thư qua sinh thiết lỏng

Với sự phát triển của khoa học công nghệ, gần đây nhiều phương pháp phát hiện các đột biến gene ung thư qua sinh thiết lỏng đã được áp dụng. Các phương pháp sử dụng để xác định ctDNA hiện nay mà thế giới đang sử dụng đó là dựa trên kỹ thuật PCR hoặc kỹ thuật giải trình tự gene thế hệ mới (NGS). PCR đặc hiệu allele là phương pháp đầu tiên được sử dụng phát hiện ctDNA. Tiếp theo là các công nghệ PCR khác có độ nhạy cao hơn được phát triển như dPCR, droplet digital PCR (ddPCR) hay hạt beat, nhũ tương (BEAMing). Kỹ thuật NGS là công cụ rất hữu ích trong chẩn đoán phát hiện đột biến gene trong ung thư.

Ngoài ra, các phương pháp như microarray dựa trên sự lai hóa genome-CGH… các công cụ tin sinh học dễ sử dụng cũng đang được phát triển, các nghiên cứu toàn diện với dữ liệu lớn về ctDNA đã và đang được xúc tiến để mang lại những kết quả hữu ích cho lâm sàng và các quyết định điều trị.