Sản phụ thai 30 tuần vẫn tự đi "chữa lành" vì... giận chồng

Minh Nhật

(Dân trí) - Trên thực tế, từ trước khi mang thai, người phụ nữ này đã có thói quen cứ căng thẳng là sẽ "đi đâu đấy" để giải tỏa.

Sản phụ sinh non khi đi "chữa lành"

Mang thai ở tuần 30 nhưng vì có chuyện bực mình với chồng, Chị Trang (tên nhân vật đã được thay đổi), sống tại Hà Nội, quyết định tự đặt vé máy bay đi "chữa lành" ở một thành phố biển.

Tuy nhiên ngay sau khi máy bay hạ cánh, sản phụ bất ngờ có dấu hiệu chuyển dạ và sinh non ở tuần 30.

Sản phụ thai 30 tuần vẫn tự đi chữa lành vì... giận chồng - 1

Sản phụ sinh non khi đi "chữa lành" (Ảnh minh họa: Getty).

Đây là một trường hợp bệnh nhân được TS.BS Ngô Thị Thanh Hương, Viện Ứng dụng công nghệ Y tế tiếp nhận tư vấn tâm lý trong thời gian vừa qua.

Theo BS Hương, trên thực tế, từ trước khi mang thai, người phụ nữ này đã có thói quen cứ căng thẳng là sẽ "đi đâu đấy" để giải tỏa.

"Theo lý thuyết, việc thay đổi không gian sẽ giúp giải tỏa căng thẳng. Tuy nhiên, với trường hợp phụ nữ mang thai, việc đi xa cần phải hết sức cẩn trọng, đặc biệt là các tháng cuối của thai kỳ", BS Hương chia sẻ.

Theo BS Hương, khi đã có em bé, việc giải tỏa căng thẳng bằng cách đi du lịch phải được chị em xây dựng kế hoạch cụ thể, không nên đi theo kiểu "bốc đồng", "thích là đi".

"Nhiều chị em đặt kỳ vọng rất lớn sau một chuyến đi là có thể "chữa lành", giải tỏa hết căng thẳng đang gặp phải, thế nhưng sự việc không đơn giản như vậy. Do đó, các mẹ cần trao đổi với bác sĩ sản khoa và có một kế hoạch, lộ trình cụ thể.

Sản phụ cần luôn ý thức mình đang trong một giai đoạn rất nhạy cảm là mang thai. Dù đi đâu, xa hay gần, sự chuẩn bị cũng rất cần thiết", BS Hương nhấn mạnh.

Vì sao khi mang thai dễ căng thẳng, nổi cáu?

Cũng theo chuyên gia này, các vấn đề về sức khỏe tâm thần như: stress, trầm cảm... là tình trạng nhiều phụ nữ phải đối mặt trong suốt thai kỳ và sau khi sinh.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trước hết là vì mang trong mình tài sản "vô giá" là con, nên phụ nữ thường xuyên lo lắng về sức khỏe của thai nhi và những biến chứng có thể xảy ra.

Nỗi sợ hãi về việc sinh nở, đặc biệt là đối với những người mang thai lần đầu, có thể là nguồn gốc của sự căng thẳng.

Các lo lắng về khả năng làm mẹ, về việc liệu họ có thể chăm sóc tốt cho con hay không cũng là một vấn đề phổ biến.

Một yếu tố quan trọng khác là sự thay đổi hormone mạnh mẽ trong thai kỳ dẫn đến những biến đổi tâm trạng đáng kể của phụ nữ.

Sản phụ có thể cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc và yêu đời một lúc, nhưng lại buồn bã và chán nản ở những thời điểm khác.

Việc phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe tâm thần là rất quan trọng.

Theo BS Hương, trước hết, là vai trò của chính bà mẹ là quan tâm và lắng nghe cơ thể mình. Đây là nguyên tắc đầu tiên và là nguyên tắc sống còn.

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào mẹ cũng có thể tự nhận ra được. Do đó, cần có sự quan sát, để tâm của những người thân để nhận ra những thay đổi về thái độ, lời nói, cử chỉ, hành vi của mẹ bầu.

"Có nhiều dấu hiệu để nhận diện vấn đề. Ví dụ như dễ xúc động, ngay cả khi không có chuyện gì quá to tát. Chúng tôi đã gặp nhiều trường hợp chồng chỉ khuyên sản phụ "rút kinh nghiệm" nhưng đã khiến sản phụ bật khóc và nổi giận.

Ngoài ra, ở giai đoạn nhạy cảm này, các mẹ bầu cũng khó kiềm chế cơn nóng giận, và rất dễ "bùng nổ". Bên cạnh đó, giảm hứng thú với những sở thích trước đây cũng là dấu hiệu cảnh báo", BS Hương cho hay.

Với các vấn đề về sức khỏe tâm thần, sản phụ cần mạnh dạn chia sẻ với những người thân của mình. Về phía người thân, luôn cần có sự đồng hành về tâm lý xuyên suốt hành trình mang thai và chăm con. Trong trường hợp tình trạng các dấu hiệu tăng dần, kéo dài và khó cải thiện, sản phụ cần có sự tư vấn của chuyên gia.

Sản phụ cần lưu ý khi đi du lịch

Về vấn đề đi du lịch của phụ nữ mang thai, theo TS.BS Phan Chí Thành, Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, thời điểm tốt nhất để di chuyển là quý 2 của thai kỳ.

Sản phụ thai 30 tuần vẫn tự đi chữa lành vì... giận chồng - 2

TS.BS Phan Chí Thành, Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Ảnh: Đức Trịnh).

"Vào quý một, sản phụ dễ bị ra máu bất thường, ngay cả khi không gặp vấn đề gì nên sẽ ảnh hưởng nhiều đến trải nghiệm trong chuyến đi. Trong khi đó, ở quý 3 thai kỳ, người mẹ rất nặng nề, khi đi lại nhiều dễ bị ngã và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe", BS Thành phân tích.

Cũng theo chuyên gia này, sản phụ di chuyển bằng máy bay ở tuần thai thứ 28 nên chuẩn bị giấy khám sức khỏe.

Bên cạnh việc phục vụ cho quy định của một số hãng bay, việc khám thai trước khi di chuyển cũng giúp nắm bắt được tình trạng sức khỏe và nhận được sự tư vấn của bác sĩ, để có kế hoạch đi du lịch an toàn và hợp lý.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm