Sản phụ sinh con lần 4, bị cơ tim phì đại được phẫu thuật thành công

Bảo Kỳ

(Dân trí) - Bác sĩ của 2 bệnh viện Phụ Sản và Tim Mạch ở Cần Thơ vừa phối hợp phẫu thuật thành công cho sản phụ mắc bệnh cơ tim phì đại. Bé trai nặng hơn 3,7kg chào đời khỏe mạnh, an toàn.

Trước đó, lúc 15h45 ngày 20/6, sản phụ N.T.D. (34 tuổi, Cần Thơ) nhập viện trong tình trạng thai 39 tuần 1 ngày. Sản phụ sinh con lần 4.

Trong quá trình khai thác bệnh sử, bệnh nhân cho biết bản thân bị bệnh cơ tim phì đại khoảng 5 năm và không điều trị liên tục.

Sản phụ sinh con lần 4, bị cơ tim phì đại được phẫu thuật thành công - 1

Ekip phẫu thuật cho sản phụ (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Qua kết quả siêu âm, xét nghiệm, bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ chẩn đoán sản phụ bị cơ tim phì đại, túi thừa buồng thất vùng mỏm...

Nhận định đây là một trường hợp bệnh phức tạp, cần xử trí tích cực nên nhanh chóng hội chẩn viện và hội chẩn liên viện với các bác sĩ chuyên khoa của Bệnh viện Tim mạch TP Cần Thơ.

Sáng 21/6, sản phụ được chuyển mổ. Trong quá trình phẫu thuật, sản phụ được theo dõi chặt chẽ với đầy đủ các thiết bị sốc điện, thuốc vận mạch; đồng thời, có sự phối hợp chặt chẽ của các bác sĩ chuyên khoa gây mê hồi sức, bác sĩ sản phụ khoa, các bác sĩ chuyên khoa tim mạch.

Ca phẫu thuật được cho là "cân não" bởi sản phụ có thể đối diện với nguy cơ bất ngờ lên cơn suy tim cấp, nhồi máu cơ tim, biến chứng nguy hiểm như: rối loạn nhịp tim, rung nhĩ và đột tử.

Tiếng khóc chào đời của bé trai nặng 3,74kg cũng như tình trạng sức khỏe của sản phụ T. ổn định sau ca phẫu thuật lấy thai đã khiến cho tất cả ekip mổ và gia đình vui mừng, hạnh phúc.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Vũ Đăng Khoa, Trưởng khoa Sản bệnh cho biết: Bệnh cơ tim phì đại là sự dày lên bất thường của cơ tim, sự dày lên này phổ biến nhất là thành tâm thất trái, vách ngăn phân chia 2 bên phải và trái của tim, van hai lá của tim. Bệnh cơ tim phì đại có thể dẫn đến suy tim lâm sàng, rối loạn nhịp tim đe dọa tính mạng, hoặc gặp vấn đề với van hai lá và dẫn đến tử vong đột ngột.

Theo bác sĩ Khoa, để có một thai kỳ khỏe mạnh và kịp thời xử trí những bất thường, tất cả phụ nữ đã có tiền sử về tim mạch, cần được sự tư vấn và theo dõi chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa để tránh nguy hiểm cho cả mẹ và con.

Đặc biệt, các sản phụ có bệnh lý về tim mạch cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ về thăm khám thai, chế độ dinh dưỡng, chế độ vận động, chế độ nghỉ ngơi và tầm soát các yếu tố nguy cơ trong thai kỳ như: tăng huyết áp, tiền sản giật... để phát hiện, xử trí kịp thời các triệu chứng và biến chứng.