Sa tạng chậu, nỗi ám ảnh ở phụ nữ ngoài “tứ tuần”

(Dân trí) - Gần 50% phụ nữ sau tuổi 40 bị sa tạng chậu, tình trạng trên ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của người bệnh. Tăng cường bảo vệ sức khỏe, đi khám và điều trị sớm là lời khuyên bác sĩ dành cho tất cả chị em phụ nữ.

Sa tạng chậu là tình trạng cơ và dây chằng hỗ trợ nâng đỡ các cơ quan vùng chậu bị suy yếu khiến tạng ở vùng chậu trượt ra khỏi vị trí ban đầu, dẫn đến hiện tượng sa tử cung, sa bàng quang hoặc sa trực tràng vào vùng âm đạo. Bệnh sẽ diễn tiến ngày càng nặng theo thời gian, nguy cơ gây biến chứng cho người bệnh.

Sa tạng chậu có thể gặp ở mọi người, ngoài nguyên nhân do bệnh lý, cơ địa hoặc béo phì thì bệnh chủ yếu xảy ra ở phụ nữ do sinh nở nhiều, giảm nồng độ hormone estrogen trong thời kỳ trước và sau khi mãn kinh khiến cơ thể bị thiếu hụt lượng collagen cần thiết để hỗ trợ các mô liên kết vùng chậu. Nguyên nhân của sự suy yếu cũng có thể là do bẩm sinh, táo bón, lão hóa, tiền sử trải qua các phẫu thuật vùng chậu (cắt tử cung, cắt trĩ).

Sa tạng chậu, nỗi ám ảnh ở phụ nữ ngoài “tứ tuần” - Ảnh 1.

Sa tạng chậu sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, chất lượng sống của người bệnh

Trong Hội nghị Sàn chậu học diễn ra (ngày 2/11) tại Bệnh viện phụ sản Từ Dũ TPHCM, các chuyên gia y tế chia sẻ, hiện có gần 50% phụ nữ độ tuổi sau 40 bị sa tạng vùng chậu. Người bị sa tạng chậu thường rối loạn chức năng dẫn tới tiểu không kiểm soát, tiểu gấp, táo bón, đau khi quan hệ tình dục, xuất huyết âm đạo, nhức mỏi lưng…

Bệnh nhân không được can thiệp sớm sẽ bị rối loạn chức năng về tiết niệu, hậu môn trực tràng, phụ khoa. Nếu để bệnh quá nặng, đặc biệt là sa tử cung mức độ nặng sẽ gây viêm loét, phải phẫu thuật cắt bỏ tử cung. Tuy không đe dọa trực tiếp tính mạng bệnh nhân nhưng sa tạng chậu ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng sống khiến người bệnh mặc cảm, thiếu tự tin.

BS Lê Quang Thanh, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cho biết, do tâm lý e ngại vì mang "bệnh khó nói" nhiều chị em chậm trễ trong điều trị dẫn tới biến chứng. Trước đây những ca điều trị sa tạng hay còn gọi là sa sinh dục, phương án can thiệp được thực hiện là cắt tử cung. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy đây là phương án không phù hợp về mặt giải phẫu và mặt chức năng. Sự phát triển của y học gần đây đang mang đến những giải pháp can thiệp tối thiểu bằng nội soi, laser, điều trị nội khoa… giúp người bệnh ngày càng được chăm sóc tốt hơn, giảm sang chấn, biến chứng, nâng cao chất lượng sống.

Bác sĩ khuyến cáo để hạn chế nguy cơ bị sa tạng chậu, chị em phụ nữ cần có chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều chất xơ, rau quả ngăn ngừa táo bón; duy trì cân nặng ở mức hợp lý, không để cơ thể béo phì; thường xuyên tập thể dục để hệ cơ, dây chằng được khỏe mạnh… Trường hợp chẳng may bị sa tạng chậu cần tuân thủ chỉ định khám, điều trị của bác sĩ.

Vân Sơn