Rút thành công lưỡi dao xuyên thấu ngực nạn nhân

(Dân trí) - Nạn nhân được chuyển đến bệnh viện với lưỡi dao gọt trái cây đầu sắc nhọn cắm vào lưng, xuyên thấu ngực trái. Người đàn ông may mắn thoát chết vì đường đi của lưỡi dao chưa cắt đứt mạch máu lớn trong cơ thể.

Bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện với lưỡi dao đã bị gãy cán găm vào lưng
Bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện với lưỡi dao đã bị gãy cán găm vào lưng

Đó là trường hợp của nam bệnh nhân 43 tuổi, ngụ tại Củ Chi. Anh được chuyển đến Bệnh viện Xuyên Á cấp cứu trong tình trạng lưỡi dao (loại dao Thái Lan) gọt trái cây găm vào lưng gây chảy máu rỉ rả. Nguyên nhân khiến bệnh nhân gặp nạn không được thân nhân tiết lộ.

Qua thăm khám lâm sàng, kiểm tra hình ảnh, bác sĩ xác định lưỡi dao đã bị gãy cán cắm sâu vào lưng, cạnh trái cột sống ngực, xuyên thấu ngực trái bệnh nhân. Khảo sát nhanh trên CT-scan, cho thấy lưỡi dao đi qua gian sườn 4, hướng về sát động mạch chủ ngực, gây tổn thương mạch máu gian sườn, tạo khối máu tụ ở thành ngực và ở màng phổi trung thất ngay cạnh động mạch chủ ngực.

Lưỡi dao xuyên từ lưng, thấu lồng ngực bệnh nhân
Lưỡi dao xuyên từ lưng, thấu lồng ngực bệnh nhân

Tại phòng mổ, sau khi kiểm soát được mạch máu lớn trong lồng ngực (động mạch chủ ngực) ê kíp bác sĩ đã rút lưỡi dao ra ngoài.

Như vậy, với những trường hợp không may bị dị vật đâm xuyên cơ thể ở những vị trí nguy hiểm, nạn nhân cần được băng cố định để vật nhọn không bị xê dịch thứ phát tránh tổn thương nặng thêm, tránh chảy máu nhiều; nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện có chuyên khoa phẫu thuật mạch máu, lồng ngực.

Lưỡi dao sắc nhọn sau khi được bác sĩ rút ra khỏi cơ thể người bệnh
Lưỡi dao sắc nhọn sau khi được bác sĩ rút ra khỏi cơ thể người bệnh

Bởi với những trường hợp chấn thương mạch máu, dị vật có tác dụng như một “nút cầm máu tạm”, nếu vội vã rút ra, bệnh nhân có thể chết vì chảy máu ồ ạt. Ngoài ra, rút dị vật còn làm cho tổn thương thêm mạch máu, thần kinh, tạo khó khăn cho thầy thuốc khi xử trí tổn thương.

Vân Sơn