Rượu ảnh hưởng đến việc điều trị ung thư như thế nào?

Minh Nhật

(Dân trí) - Sử dụng rượu có thể ảnh hưởng đến điều trị ung thư theo nhiều cách khác nhau.

Theo Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ điều trị về việc uống rượu trong và sau khi điều trị ung thư có an toàn hay không. Bác sĩ sẽ đưa ra những lời khuyên thiết thực nhất về mức độ an toàn của việc uống rượu với một số loại thuốc điều trị ung thư nhất định và/hoặc các loại thuốc khác được kê đi kèm với quá trình hóa trị ung thư.

Rượu ảnh hưởng đến việc điều trị ung thư như thế nào? - 1

Tuy nhiên, có một số thông tin chung liên quan đến những ảnh hưởng của rượu đến quá trình điều trị ung thư mà bệnh nhân nên biết.

Chức năng tủy xương

Rượu có mối liên quan tới chức năng của tủy xương. Rượu có thể ngăn cản sự sản xuất lành mạnh của tế bào bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu trong tủy xương. Với những bệnh nhân mắc ung thư máu và tủy như leukemia, u lympho, u tủy, chức năng tủy có thể đã vượt quá mức do hệ quả của bệnh. Trong một số trường hợp, mức độ ảnh hưởng có thể đột ngột và thậm chí còn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng hơn nữa.

Tác dụng gây ngủ

Rượu gây buồn ngủ. Nó giúp cơ thể thư giãn và có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ. Tuy nhiên, do hậu quả của ung thư, bệnh nhân có thể cảm thấy mệt mỏi, và rượu khiến vấn đề này càng tệ hơn. Nếu đang dùng thuốc kiểm soát cơn đau hoặc buồn nôn, rượu cũng khiến tác dụng gây ngủ của những thuốc này tăng lên.

Gây kích ứng dạ dày

Nếu cảm thấy buồn nôn do tác dụng phụ của xạ trị hoặc hóa trị, bệnh nhân cũng nên biết rằng, rượu gây kích ứng tương tự tới niêm mạc dạ dày và ống tiêu hóa như hai liệu pháp này.

Tăng gánh nặng lên gan

Nhiều loại thuốc hóa trị được thải ra khỏi cơ thể qua gan. Tác dụng gây độc của những thuốc này là gánh nặng thực sự "đè" lên gan. Rượu cũng được chuyển hóa qua gan và uống rượu sẽ tăng thêm áp lực và có thể gây tổn thương gan vĩnh viễn.

Ăn uống lành mạnh để phòng ung thư

Tất cả những gì đánh vào nhân tế bào đều có thể gây ung thư và trên 80% nguyên nhân là do môi trường bên ngoài, còn tỷ lệ tự đột biến rất thấp, chỉ khoảng 10%. Trong các tác nhân bên ngoài, thức ăn đóng một vai trò quan trọng, được xếp hàng đầu trong các tác nhân môi trường có ảnh hưởng lớn nhất đến căn bệnh này (35%), đứng thứ 2 là thuốc lá (30%).

Vì thế, một chế độ ăn lành mạnh sẽ giảm đáng kể nguy cơ ung thư:

- Lựa chọn thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất và dinh dưỡng: Chọn thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng khác, thực phẩm không chứa nhiều calo vừa giúp bạn bổ sung vitamin, khoáng chất, dinh dưỡng, vừa duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh.

- Chọn rau đủ "màu sắc cầu vồng": Các loại rau có màu sắc khác nhau - xanh đậm, đỏ và cam; các loại đậu và hạt giàu chất xơ; các loại trái cây màu sắc đa dạng sẽ là một lựa chọn thông minh để phòng ngừa ung thư.

- Chọn nguồn đạm từ cá, tôm, thịt trắng thay vì thịt đỏ: Các chuyên gia khuyến cáo, hãy chọn cá, thịt gia cầm, hoặc đậu làm nguồn cung cấp protein chính thay vì thịt đỏ hoặc thịt chế biến sẵn. Trong trường hợp không từ bỏ được thịt đỏ, hãy chia phần ăn nhỏ hơn, gắp lượng cố định vào bát và kiên quyết chỉ ăn trong khẩu phần đó.