Rùng mình “công nghệ” nấu mỡ bẩn, bì lợn
Tại các quán ăn vỉa hè, những món chiên, rán nhìn rất bắt mắt nhưng ít ai biết mỗi ngày hàng triệu thực khách đang bị đầu độc bởi thứ mỡ bẩn dùng để chiên rán những món ăn đó.
Nguồn hàng siêu bẩn
Vào một buổi chiều giữa tháng 11/2014, bám theo chiếc xe ba gác tự chế chở theo những túi nylon đựng các loại mỡ lợn, da lợn, chúng tôi đến thôn Bình Lương, xã Tân Quang (Văn Lâm, Hưng Yên).
Vừa bước chân đến đầu thôn, một mùi khét lẹt, ngầy ngậy xộc thẳng vào mũi. “Loại bạc nhạc này dùng nấu mỡ, da để làm bì, tôi gom từ mấy làng mổ lợn ở Bắc Giang, Hưng Yên. Có bữa, tôi vào tận miền Trung để gom hàng, nhiều hôm về đến đây, da, mỡ đã thối gần hết”, ông Tiến - lái xe ba gác - cho biết.
Nhiều đậu nậu gom hàng chở đến tập kết tại một khoảnh đất trống gần nghĩa trang thôn Bình Lương. Sau đó, những túi da, mỡ lợn được đưa đến tận nhà cho những cơ sở nấu mỡ. Hối hả gom những túi nilon bỏ vào bao tải, bà H bỏ hàng lên xe máy phóng vù về nhà. Thả uỵch bao tải xuống sân, bà H cùng hai người phụ nữ khác nhanh chóng đổ thẳng mỡ, da ra giữa sân nền gạch lấm lem đất cát, nước bẩn, xung quanh ruồi nhặng bu đen kín.
Những tấm da lợn nhanh chóng được những người phụ nữ này dùng dao nhọn lọc mỡ bỏ vào một góc trên nền xi măng, nhiều miếng da, mỡ lợn, bạc nhạc còn dính phân, đất cát, đã chuyển màu nhợt nhạt, bốc mùi hôi.
Lọc mỡ xong, bà H dùng xẻng xúc mỡ, bạc nhạc, dính đầy lông, phân, cát đổ thẳng vào chiếc chảo gang đen ngòm đang bắc trên bếp mà không cần rửa. 10 phút sau, chảo mỡ sôi ùng ục, một mùi khét lẹt lờm lợm bay ra.
“Loại này chưa bị thối nhiều nên chú lấy được giá 17.000/lít chị mới bán, lấy nhiều chứ ít thì chú sang nhà khác mà mua”, bà H thẳng thắn. “Sao không rửa qua đi”, tôi hỏi. Bà H cười giòn tan: “Ngày tôi nấu dăm bảy tạ mỡ thời gian đâu mà rửa, có ai biết đâu mà sợ”.
Nấu mỡ xong, bà H dùng chiếc muỗng loại to chắt mỡ ra đổ vào một cái xô đen sì, cáu bẩn, sau đó đổ vào những thùng phuy nằm bên cạnh. Theo quan sát, những thùng phuy này đã rỉ sét, ruồi nhặng chết nổi lềnh bềnh bên trong. “Chiên đến khi thấy thấy tóp mỡ cháy đen thì thôi, đổ lẫn nhiều loại mỡ vào nên khó mà nhận ra được mỡ bẩn hay mỡ sạch”, bà H nói.
Tương tự, vào buổi sáng tiếp theo, chúng tôi đã thâm nhập cơ sở nấu mỡ của bà Th và ông H ở thôn Lỗ Xá, xã Nhân Hoà (Mỹ Hào, Hưng Yên).
Hoạt động nấu mỡ tại đây diễn ra liên tục và rất mất vệ sinh, xúc đống mỡ lợn, bạc nhạc đã đổi sang màu đen, lẫn lộn với ít mỡ đã chuyển màu xanh nhợt trên sân nền gạch đổ vào chảo, bà Th tiết lộ: “Đây là mỡ lợn chết nên chị bán có 10.000 đồng/lít thôi, em thích thì lấy về pha vào mà dùng cho rẻ”.
Hãi hùng bì lợn tẩy trắng bằng hoá chất
Cũng như nấu mỡ lợn, quá trình làm bì lợn tại thôn Bình Lương cũng hãi hùng không kém. 16h chiều 12/11, cơ sở sản xuất bì lợn của ông chủ cơ sở tên T đón hai xe ba gác chở da lợn, mỡ lợn vào nhập hàng. Sau khi lọc mỡ, toàn bộ phần da lợn được vứt thành đống giữa sân nền gạch nhớp nháp, lông, đất, phân lẫn lộn với nhau.
Những người làm tại nhà ông T vô tư đi ủng dẫm đạp lên đống bì lợn rồi dùng xẻng xúc toàn bộ da lợn ngâm vào một chậu nước sủi bọt. “Da lợn vận chuyển từ nơi khác về đã bị thối, nhợt nhạt nên phải ngâm oxy già để tẩy rửa”, một người làm tại cơ sở chế biến bì lợn của ông T tiết lộ.
Xe bì lợn này vừa ngâm thuốc tẩy rửa xong, một chiếc xe ba gác khác đã đánh vào tận ngõ giao hàng. Thấy hàng có vấn đề, bà T nói như bắt chẹt: “Hôi quá, chắc lợn chết, bớt đi”. Sau khi 4 bao tải đựng da, mỡ lợn thả xuống sân, ông T hối người làm: “Tẩy đi rồi lọc!”.
Ngay lập tức, hai người phụ nữ làm cùng đổ cả 4 bao tải vào hai chậu nước ngay bên cạnh để ngâm, khoảng 40 phút sau, họ vớt da ra, dội qua nước lạnh rồi trụng vào nước sôi. “Hôi quá, tẩy rồi mà vẫn không ngửi được”, một phụ nữ làm tại đây nói.
Chỉ tính riêng trong một buổi chiều 13/11, cơ sở ông T đã tẩy rửa và chế biến khoảng 7 tạ da thành bì lợn. Sau khi ngâm tẩy, những miếng da lợn được xếp phơi ngay ngoài đường, mặc cho bụi bặm bay vào.
“Cả làng này bây giờ họ làm bẩn lắm, chú không tin cứ vào tận nơi mà xem, họ làm công khai chứ có ai giấu giếm gì đâu. Trước làm xong bì lợn cứ đen sì, nay có thuốc tẩy rửa nên miếng nào trắng tinh miếng ấy”, một người dân địa phương cho biết.
Mỡ bẩn tung hoành khắp thị trường
Những thùng phuy mỡ sau khi để nguội sẽ được các chủ cơ sở nấu mỡ đóng vào can loại 20 - 30 lít, sau đó vận chuyển đi tiêu thụ. Dẫn chúng tôi ra khu nhà kho xếp gần chục thùng phuy và khoảng 40 - 50 can nhựa loại 20 lít, ông chủ cơ sở tên Ng ở thôn Bình Lương thừa nhận: “Loại mỡ này rẻ, làm ăn lãi cao nên các chủ quán cơm, nhà ăn tập thể họ chuộng lắm, có ngày tôi bán cho các quán cơm ở khu công nghiệp Phố Nối, thị trường Hà Nội được vài trăm lít”, ông Ng nói.
Cũng chiều hôm đấy, chiếc xe tải chở hàng BKS 89K - 81… chở mỡ rời khỏi thôn Bình Lương đi tiêu thụ. Sau khi giao hàng cho một số quán cơm trên tuyến quốc lộ 5, chiếc xe tải tiến thẳng đến một bãi đất trống cạnh chân cầu Thanh Trì (Hà Nội), tại đây có gần chục người đã đợi sẵn để nhận hàng.
“Giao hàng ở đây chứ vào nội thành bị công an hoặc quản lý thì trường họ phát hiện thì tiền đâu mà nộp phạt. Ngày ít cũng đẩy vào trung tâm Hà Nội được vài trăm lít”, đầu nậu V.A - chủ xe tải chở mỡ - cho biết.
Để chủ động nguồn hàng, nhiều chủ cơ sở chiên rán vỉa hè, cơm bình dân, nhà ăn tập thể ở Hà Nội, Bắc Ninh còn đánh xe máy, xe tải nhỏ đến tận thôn Bình Lương, thôn Lỗ Xá để mua hàng.
“Loại mỡ này được dùng để chiên cá, xào rau, rán bánh chưng, chiên chim cút. Chiên rán bằng loại mỡ này còn đỡ chứ mua dầu xịn về dùng thì lỗ nặng, khách người ta cũng có biết được đâu mà sợ”, bà Liên chủ một quán cơm ở thị trấn Trâu Quỳ (Gia Lâm) - khách hàng của đầu nậu V.A - cho biết.
Theo Đình Vũ
Lao động