1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

“Rửa đúng cách vẫn có thể an toàn…”

Là lời khẳng định của PGS. TS. BS Trần Thị Hồng, chủ nhiệm bộ môn Ký sinh - vi nấm học (ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch), trước lo lắng của người dân về chất lượng rau ăn hằng ngày.

Trước thông tin rau bán ở chợ bị nhiễm ký sinh trùng nghiêm trọng, nhiều người đã tự vệ bằng cách hạn chế ăn rau, số khác thì bỏ thói quen mua rau ở chợ mà tìm đến các cửa hàng rau sạch, siêu thị... Bà nghĩ sao về những phản ứng này?

 

Cả hai cách đối phó đó đều không làm cho sức khoẻ người tiêu dùng thực sự an toàn. Rau xanh là rất nên ăn vì các nghiên cứu cho thấy trong rau xanh có các thành phần dinh dưỡng thiết yếu. Cũng không nên ngộ nhận rau bán ở các cửa hàng hay trong siêu thị là đã được làm sạch hoàn toàn. Các xét nghiệm vừa qua cho thấy trên rau được gọi là rau sạch vẫn còn một tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng rất cao.

 

Vì vậy, vấn đề ở đây không phải là mua rau ở đâu hay không ăn rau, mà chính là cách xử lý rau trước khi ăn. Không phải cứ rau đắt tiền thì sạch hơn rau rẻ tiền. Nếu biết rửa rau đúng cách thì rau bán ở chợ vẫn có thể an toàn cho người tiêu dùng.

 

Rửa rau đúng cách là rửa như thế nào, thưa bà?

 

Trước hết, phải bảo đảm nước dùng để rửa phải sạch, sau đó mới tùy vào từng loại rau. Nếu là rau có bề mặt tiếp xúc lớn như rau cải, xà lách... thì phải bẻ ra từng nhánh, từng lá, để dưới vòi nước chảy mạnh một hồi lâu cho sạch hết ký sinh trùng nếu có. Lật tiếp qua bề kia rửa tương tự như vậy. Sau đó bỏ vào thau, rửa lại bình thường một hoặc hai nước. Nếu là rau cọng nhỏ như xà lách xoong, rau đắng... thì để vào thau rồi đảo qua, đảo lại nhiều lần, ít nhất cũng phải thay năm, sáu nước như vậy.

 

Cũng nên lưu ý những người có thói quen rửa rau bằng nước muối, thuốc tím hay mấy loại nước rửa rau chuyên dụng đang bán trên thị trường, kết quả xét nghiệm cho thấy rửa bằng những cách này chỉ làm sạch được vi khuẩn, còn ký sinh trùng không ăn thua. Nước rửa rau gì gì đó thực chất chỉ là nước muối sinh lý thôi, không phải thuốc diệt được ký sinh trùng.

 

Với nồng độ muối và thuốc tím để có thể diệt được ký sinh trùng thì rau sẽ giập hết. Do đó, rửa bằng nước máy sạch, rửa từng cọng, từng lá, tuy có cực một chút nhưng đỡ tốn kém và an toàn hơn bởi ký sinh trùng chỉ bám ở các ngách, kẽ của rau chứ không xâm nhập vào chất lượng bên trong.

 

Đối với cách rửa bằng máy ozone thì chỉ nên khuyến cáo những nơi phải rửa rau số lượng lớn như nhà hàng, quán ăn... vì phải dùng máy ozone loại lớn, với tầng số cao thì rau mới sạch, chứ máy ozone loại cá nhân thì khó làm được điều đó.

 

Nhiều người đã lỡ ăn rau không được rửa kỹ đang lo lắng không biết sức khoẻ của mình sẽ như thế nào...?

 

Tuỳ thể trạng từng người và từng loại ký sinh trùng mà có những tác hại khác nhau. Có loại khi vào cơ thể gây bệnh ngay, có loại nằm đó chờ một thời gian. Nếu cơ thể đề kháng kém, nó sẽ trỗi dậy. Khi đó, chúng sẽ làm chậm sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ em (vóc dáng còi cọc, trí nhớ kém...), gây loét ruột, kiết lỵ, áp xe gan, phổi. Nếu để muộn quá, một số trường hợp sẽ nguy hiểm cho tính mạng như: u não, viêm tụy cấp, áp xe gan, thủng ruột, viêm phúc mạc, viêm màng não, co giật, động kinh, viêm ruột thừa, giun chui ống mật, thiếu máu... Muốn có kết luận chính xác phải xét nghiệm máu mới biết được. Khi có biểu hiện bị bệnh, mọi người không nên tự điều trị vì có thể bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra chứ không riêng gì do ăn rau.

 

Một số người cho rằng nếu uống thuốc sổ giun định kỳ, sẽ tiêu diệt được ký sinh trùng bị nhiễm do ăn rau?

 

Ký sinh trùng không nằm trong đường ruột mà nằm trong máu nên có uống thuốc sổ giun định kỳ cũng không ăn thua gì. Cũng không có loại thuốc nào giúp khống chế ký sinh trùng tấn công cơ thể ngay sau khi ăn rau.

 

Theo Vĩnh Huy

Sài Gòn tiếp thị