Rong biển: “Rau xanh” quý, cần thai thác hợp lý
(Dân trí) - Rong biển (mứt biển) là một loại hải sản, “rau xanh”, một món quà thiên nhiên vô cùng quý giá từ biển cả. Ngoài làm thức ăn, rong biển còn được dùng làm thuốc, thức ăn hổ trợ chữa bệnh cho con người... Nhưng hiện nay, ở Việt Nam chúng ta, việc khai thác vẫn chủ yếu là kiểu hái lượm tự nhiên đang đặt ra vấn đề sinh thái….
Hằng năm, cứ vào mùa hè, ngư dân vùng miền Trung, đặc biệt Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Bình Thuận đổ xô đi khai thác rong biển. Đây là một loại hải sản “rau xanh”, một món quà thiên nhiên vô cùng quý giá từ biển cả vì ngoài dùng làm thức ăn rong biển còn được dùng làm thuốc, thức ăn hổ trợ để chữa bệnh cho con người.
Định danh rong biển
Tra theo Tự điển mở Wikipedia, có khá nhiều loại rong biển có thể làm thức ăn cho con người. Riêng ở Việt Nam thường được dùng nhiều nhất là các loại “rong câu” (rau câu), rong mứt (porphyra), rong sụn và rong nho.
Các loại rong hay được sử dụng ở Việt Nam
Nhu cầu rong biển tăng lên nhanh chóng. Theo thống kê của Tổ chức Lương nông thế giới (FAO) từ sản lượng rong biển ít ỏi năm 1960 với chỉ 150 ngàn tấn, nay đã tăng gấp cả hơn chục lần sản lượng đến 1,6 triệu tấn mỗi năm. Châu Á là nơi tiêu thụ nhiều rong biển nhất đến 90% tổng sản lượng toàn thế giới. Châu Âu chỉ tiêu thụ 1%, Hằng năm Mỹ chi đến 10 triệu USD để nhập các sản phẩm rong biển phần lớn để làm thực phẩm cho người ăn kiêng.
Trước đây, rong biển được khai thác bằng kiểu “hái lượm” trong tự nhiên. Từ thế kỷ 17, người Nhật đã bắt đầu nuôi trông rong biển tại vịnh Tokyo. Vào mùa thu, nông dân sẽ bỏ chuôm tre vào nước bùn và các bào tử tảo biển sẽ phát triển, sau đó các chuôm nè được chuyển đến một cửa song để rong có nhiều chất dinh dưỡng và phát triển. Những năm 40 của thế kỷ trước, người Nhật cải thiện thay các chuôm nè bằng lưới sợi tổng hợp gắn và năng suất tăng gấp đôi; để rẻ hơn người ta áp dụng phương pháp Hibi: thay lưới bằng những sợi dây đơn giản.
Từ thập niên 60 của thế kỷ trước ở nhiều nước Châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… người ta đã trồng rong biển một cách công nghiệp để làm lương thực, thực phẩm.
Dinh dưỡng tốt, món ăn ngon, vị thuốc quý
* Dinh dưỡng tốt: Rong biển rất giàu chất dinh dưỡng. Ngoài thành phần chất đạm rất cao, rong biển còn chứa rất nhiều khoáng chất, các yếu tố vi lượng và các loại vitamin, trong đó nổi bật là thiếu yếu tố vi lượng iốt (iốt tối cần thiết cho tuyến giáp, để sinh tổng hợp hóc-môn thyroxin cho cơ thể, trẻ thiếu iốt sẽ bị chứng đần độn (cretinism), người lớn nếu thiếu iốt sẽ bị bướu giáp đơn (simple goiter), canxi với hàm lượng cao hơn trong sữa, vitamin A cao gấp 10 lần trong bơ, vitamin B2 gấp 7 lần trong trứng, vitamin C, E cao gấp nhiều lần trong rau quả….
* Nhiều món ăn ngon: Từ rong biển có thể chế biến rất nhiều mó ăn: người Nhật tạo món ăn nori, người Hàn quốc tạo món kim hay gim, người Hoa với món pinyin….
Ở Việt Nam có nhiều món ăn đặc sản được chế biến từ rong biển: gỏi rong biển, nộm rau câu, canh rong biển, rong biển xào tôm thịt, rong biển hầm sườn non, rong biển chiên… Về thức uống có trà rong biển và đặc biệt các dạng nước giải khát từ rong biển dân gian như “nước sâm rong biển”, chè “xoa xoa” (xa xa) vô cùng quen thuộc với miền Trung nắng gió. Người Quảng có câu ca dao quen thuộc “Xa xa ít vốn nhiều lời. Anh về bỏ vợ lấy người xa xa…”
Dưới góc độ y học và dinh dưỡng, rong biển nói chung đúng là một thực phẩm “dưỡng sinh” (macrobiotic) tốt phối hợp trong điều trị nhiều bệnh mãn tính như: (1) bệnh béo phì, đái tháo đường do thành phần alga alkane mannitol cho một lượng calo rất thấp, và vitamin chất khoáng lại cao (2) bệnh tăng huyết áp nhờ khả năng chống vón, chống ngưng tập tiểu cầu, (3) các bệnh lý suy tuyến giáp do rất nhiều iode, (4) cung cấp canxi cho trẻ còi xương và (5) gần đây nhiều nghiên cứu khoa học Nhật Bản cho thấy rong biển còn có khả năng chống phóng xạ và thải độc. Sau vụ tai nạn nhà máy điện nguyên tử Fukushima người Nhật dùng nhiều rong biển và muối iod để ngừa nhiễm phóng xạ.
Đôi điều bàn luận
* Về dinh dưỡng, rong biển là một hải sản “rau xanh” độc đáo, món quà thiên nhiên quý giá từ biển cả. Mứt biển ngoài là thức ăn thường nhật cho mọi giới sang hèn mà còn làm thực phẩm “chức năng”, hổ trợ chữa bệnh.
* Nhưng sự hào phóng của thiên nhiên chắc cũng có giới hạn. Chúng ta không thể khai thác rong biển kiểu “tự nhiên” mãi được vì không thể nào “Trời sinh voi sẽ sinh cỏ”. Sản lượng thu vớt tự nhiên giảm lần trông thấy.
* Nước ta với hơn ba ngàn năm trăm cây số bờ biển; ngành thuỷ sản của chúng ta có lẽ cũng cần nên theo gương các nước Châu Á láng giềng, đặc biệt là Nhật Bản, khai thác chủ động qua việc nuôi trồng rong biển công nghiệp hóa.
TS.BS Trần Bá Thoại
Ủy viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam