Rối loạn Trầm cảm Chủ yếu: Không thể làm ngơ
(Dân trí) - Đại dịch Covid-19 diễn ra nhắc nhở chúng ta rằng sức khỏe tâm thần cũng quan trọng không kém sức khỏe thể chất. Tác động dữ dội của dịch bệnh đã đẩy Rối loạn Trầm cảm Chủ yếu trở thành gánh nặng chung của toàn xã hội và cần nhiều nỗ lực để chữa lành.
Theo dữ liệu thống kê nhanh ở từng quốc gia trong báo cáo nghiên cứu thực địa toàn diện trong năm qua về chủ đề Rối loạn Trầm cảm Chủ yếu do KPMG, Johnson & Johnson, chuyên gia chăm sóc sức khỏe hàng đầu và những người phát ngôn thay mặt các bệnh nhân trên khắp Đông Nam Á thực hiện cho thấy tỷ lệ mắc Rối loạn trầm cảm chủ yếu (MDD) ở Việt Nam là 1,2% trên tổng số dân, tỷ lệ mắc rối loạn trầm cảm nặng có ý định tự tử (MDSI) ở những bệnh nhân Rối loạn trầm cảm chủ yếu là 21% và hầu hết trong độ tuổi từ 18 đến 30. Ngoài ra, người trên 70 tuổi được quan sát là có tỷ lệ trầm cảm cao nhất cả nước lên đến 5,9%.
Việt Nam hiện triển khai các chính sách sức khỏe tâm thần quốc gia, nhưng ngân sách dành cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần chưa được chú trọng nhiều. Chỉ 1/3 người lao động có triệu chứng trầm cảm sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần (theo số liệu năm 2019). Đặc biệt, số lượng bác sĩ tâm thần được đào tạo ở mức 0.9 tính trên 100.000 dân, thấp hơn nhiều so với khuyến nghị của WHO (10/100.000).
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy có tới 40.000 người Việt Nam tự tử do trầm cảm mỗi năm, tuy nhiên tỷ lệ mắc bệnh được báo cáo chỉ là 4,9% vào năm 2020. Nguyên nhân là do các triệu chứng liên quan đến trầm cảm chưa được nhận biết. Một khả năng khác là người bệnh trầm cảm miễn cưỡng chấp nhận tình trạng bệnh, bởi vì họ tin trầm cảm không thể chữa trị được. Ngay cả khi họ biết rằng mình bị trầm cảm và chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ, nhưng họ không biết phải tìm đến đâu để được điều trị, đặc biệt là khi sống ngoài các thành phố lớn. Khi bệnh nhân tự tử, bác sĩ cấp cứu sẽ là người đầu tiên tiếp nhận, trong khi họ không quen thuộc với trầm cảm có ý định tự tử để có thể đưa ra chẩn đoán chính xác và điều trị thích hợp.
Trước những thách thức này, cần phải có cách tiếp cận toàn diện về cải thiện nguồn lực, cơ sở hạ tầng và truyền thông để nâng cao nhận thức về Trầm cảm. Việt Nam đã thực hiện những nỗ lực đáng kể để bổ sung bệnh trầm cảm vào Chương trình Mục tiêu Y tế Quốc gia, với Chương trình Chăm sóc Sức khỏe Tâm thần dựa vào Cộng đồng (CMHC), kể từ năm 2001. CMHC bao gồm khám sàng lọc, chuyển tuyến, điều trị, quản lý và theo dõi giữa các trung tâm y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu với các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh. Tuy nhiên, chỉ 2% trong số những người tham gia chương trình được điều trị trầm cảm. Điều này cho thấy khả năng của y tế tuyến đầu còn thấp và chưa kết nối chặt chẽ giữa tuyến y tế cơ sở và bệnh viện tuyến trên. Do đó, việc thiết lập mạng lưới chăm sóc sức khỏe tâm thần và mở rộng các khoa ngoại trú tại các bệnh viện tâm thần là cần thiết để điều trị tích cực cho bệnh nhân trầm cảm chủ yếu, đặc biệt là bệnh nhân trầm cảm có ý định tự tử
Để giải quyết những thách thức, báo cáo đã đề xuất các giải pháp hành động:
- Nâng cao năng lực khám sàng lọc để phát hiện Rối loạn trầm cảm chủ yếu ở ngoài khu vực thành thị và các đơn vị chăm sóc sức khỏe ban đầu. Xây dựng mạng lưới chuyên gia để bệnh nhân trầm cảm được chuyển đến và được điều trị chuyên sâu. Khuyến khích mở rộng các cơ sở tư nhân tăng tiếp cận cho người bệnh, vì hiện nay chăm sóc sức khỏe tâm thần và bệnh trầm cảm chủ yếu phần lớn đến từ cơ sở y tế công lập.
- Nâng cao hiểu biết về Rối loạn trầm cảm chủ yếu, bao gồm cả trầm cảm kháng trị và trầm cảm có ý định tự tử, giữa chính phủ, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc và cộng đồng. Tuân theo tiêu chuẩn quốc tế và cần được phổ cập trong cộng đồng y khoa thông qua các hướng dẫn phù hợp .
- Tận dụng các mô hình từ các nước láng giềng các chiến dịch giáo dục về trầm cảm trên toàn quốc và địa phương qua nhiều hình thức bao gồm trực tuyến và trực tiếp. Tiếp tục kêu gọi các nỗ lực từ cấp cơ sở tham gia.
- Đầu tư vào các lộ trình và chương trình chi trả cho các mô hình cung cấp dịch vụ chăm sóc tiên tiến và các biện pháp can thiệp hiện có, hướng đến các liệu pháp điều trị tiên tiến, đặc biệt là Rối loạn trầm cảm chủ yếu và các liệu pháp điều trị nhắm mục tiêu.
"Hơn bao giờ hết sức khỏe tâm thần cần phải được quan tâm đúng mức, đặc biệt là khi đại dịch Covid-19 diễn ra đã làm trầm trọng thêm tình trạng sức khỏe tâm thần mà nhiều người đang phải đối mặt. Chúng tôi tin rằng kết quả của nghiên cứu này phác thảo cái nhìn toàn cảnh về tình hình sức khỏe tâm thần của người dân ở khu vực ĐNA nói chung và Việt Nam nói riêng. Báo cáo này kêu gọi cho các nhà hoạch định chính sách và các nhà cung cấp dịch vụ y tế thúc đẩy các giải pháp chăm sóc và điều trị bệnh nhân Rối loạn trầm cảm chủ yếu nhằm giảm bớt gánh nặng cho gia đình, hệ thống y tế và xã hội, hiện thực hóa tầm nhìn về sức khỏe cho tất cả mọi người với phương châm không ai bị bỏ lại phía sau." - Ông Matthias Skillecorn - Tổng giám đốc Johnson & Johnson Việt Nam chia sẻ.