1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Rộ tin diễn viên nổi tiếng "vỡ ngực" khi tập gym: Bác sĩ thẩm mỹ lên tiếng

Hoàng Lê

(Dân trí) - Thông tin nữ diễn viên Hàn Quốc nổi tiếng bị "vỡ ngực" đã nâng bằng filler khi tập gym khiến cộng đồng mạng xôn xao. Sự thật có phải vậy?

Mới đây, tờ MK (Hàn Quốc) đăng tải thông tin nữ diễn viên nổi tiếng Hàn Quốc Lee Se Young từng chia sẻ trên trang mạng xã hội cá nhân về việc bị "vỡ ngực" do gặp sự cố khi tập gym. Nữ diễn viên này nâng ngực bằng tiêm filler. 

Theo tờ MK, sự cố nêu trên được Lee Se Young cho biết xảy ra vào năm 2023, khi ngực trái của nữ diễn viên phim "Reply 1988" bị va chạm với tạ, dẫn đến tình trạng vỡ filler bên trong.

Sau đó, nữ diễn viên đã đi phẫu thuật hút chất làm đầy ở cả hai bên ngực để xử lý biến chứng, với tổng chi phí rất cao và thời gian phục hồi kéo dài vài tháng.

Rộ tin diễn viên nổi tiếng vỡ ngực khi tập gym: Bác sĩ thẩm mỹ lên tiếng - 1

Nữ diễn viên nổi tiếng Lee Se Young (Ảnh: MK).

Nữ diễn viên dùng câu chuyện của bản thân để nhắc nhở cộng đồng về việc cần tỉnh táo, thận trọng, tìm nơi đáng tin cậy khi lựa chọn các biện pháp can thiệp thẩm mỹ.

Thông tin trên khiến không chỉ dư luận ở Hàn Quốc mà nhiều người dùng mạng tại Việt Nam cũng xôn xao, khi thủ thuật tiêm filler (chất làm đầy) làm đẹp hiện rất phổ biến ở nước ta.

Thời gian qua, cơ quan quản lý y tế nhiều địa phương như Hà Nội, TPHCM cũng phát hiện những trường hợp bị biến chứng nặng khi làm đẹp bằng cách tiêm filler tại các cơ sở thẩm mỹ.

Tiêm filler có gây "vỡ ngực"?

Trao đổi với phóng viên Dân trí, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Đinh Phương Đông, khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ một bệnh viện công ở TPHCM, cho biết nâng ngực bằng filler hiểu nôm na là tiêm chất làm đầy vào ngực. Các chất làm đầy có thể là axit hyaluronic, mỡ tự thân, mỡ nhân tạo hoặc silicone lỏng.

Trong trường hợp xảy ra biến chứng, việc tiêm filler có thể gây biến dạng, nhiễm trùng, tạo áp xe ngực. Trong y khoa, không có thuật ngữ "vỡ" khi tiêm filler.

Đồng quan điểm trên, bác sĩ Ngô Mộng Hùng, chuyên ngành Phẫu thuật thẩm mỹ phân tích, filler không nằm riêng lẻ, tách biệt khỏi mô mà hòa lẫn vào các khoảng gian bào (khoảng trống của tế bào).

Do đó, tiêm filler không gây vỡ ngực như đặt túi. Thực chất, nếu tiêm filler nhiều mà có va đập mạnh, bệnh nhân có thể xảy ra những sự cố như gây chảy máu, viêm, nhiễm trùng sau đó.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Minh Trường, người có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực thẩm mỹ nội khoa chia sẻ thêm, filler là một chất gel mềm được sử dụng để làm đầy những vùng thiếu hụt, khuyết điểm trên cơ thể.

Hiện nay, có nhiều loại filler phổ biến trên thị trường, ngoài axit hyaluronic còn collagen và một số sản phẩm khác. Khi tiêm vào vùng ngực, filler giúp tăng cường thể tích và cải thiện hình dáng của ngực, mang lại cảm giác tự nhiên hơn so với việc sử dụng implant.

Một trong những lý do lớn nhất khiến nhiều người chọn nâng ngực bằng filler là khả năng tạo ra kết quả ngay lập tức.

Sau khi tiêm, bạn có thể thấy sự khác biệt rõ rệt ngay lập tức. Phương pháp này cũng có thời gian hồi phục rất ngắn. Bạn có thể quay lại sinh hoạt bình thường ngay sau khi thực hiện, dù vẫn nên tránh các hoạt động mạnh trong vài ngày đầu.

Tuy vậy, bên cạnh những lợi ích, cần lưu ý rằng filler không phải là một giải pháp lâu dài. Kết quả có thể kéo dài từ 6 tháng đến 2 năm, tùy thuộc vào loại filler và cơ địa mỗi người. Nếu bạn đang tìm kiếm sự thay đổi vĩnh viễn, nâng ngực bằng filler chưa phải lựa chọn phù hợp.

Song song đó, như mọi phương pháp thẩm mỹ khác, khi nâng ngực bằng filler, người dân cũng có thể gặp phải các nguy cơ và biến chứng không mong muốn.

Có thể kể đến như sưng tấy, bầm tím hoặc cảm giác đau nhức tại vị trí tiêm. Một số trường hợp hiếm gặp dẫn đến nhiễm trùng hoặc dị ứng với chất filler được sử dụng.

Khuyến cáo từ bác sĩ thẩm mỹ

Theo bác sĩ Trường, nếu nắm rõ các yếu tố nguy cơ có thể giúp người dân chuẩn bị tốt hơn trước khi quyết định thực hiện nâng ngực bằng filler.

Theo đó, người có tiền sử bệnh lý về da hoặc dị ứng có thể đối mặt với nguy cơ cao hơn khi thực hiện nâng ngực bằng filler. Trước khi tiến hành, hãy chắc chắn rằng bạn đã thảo luận kỹ lưỡng với bác sĩ về tình trạng sức khỏe của mình.

Kế đến, việc lựa chọn địa chỉ thực hiện ảnh hưởng lớn đến chất lượng dịch vụ. Những cơ sở không đảm bảo chất lượng hoặc thiếu trang thiết bị y tế có thể làm tăng nguy cơ gặp phải biến chứng.

Kỹ thuật tiêm của bác sĩ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu nguy cơ xảy ra biến chứng. Bác sĩ cần có tay nghề cao và kinh nghiệm để có thể thực hiện quy trình một cách chính xác và an toàn.

Rộ tin diễn viên nổi tiếng vỡ ngực khi tập gym: Bác sĩ thẩm mỹ lên tiếng - 2

Người dân cần cân nhắc, tìm hiểu kỹ lưỡng khi lựa chọn tiêm filler làm đẹp (Ảnh minh họa: BS).

Nếu đã chọn tiêm filler ngực, việc chăm sóc sau khi thực hiện là bước quan trọng.

Bạn nên nghỉ ngơi và tránh các hoạt động mạnh trong ít nhất 24 giờ. Nếu có dấu hiệu sưng tấy, có thể chườm lạnh nhẹ nhàng để giảm tình trạng này; tránh va chạm vào vùng ngực trong thời gian đầu để không làm tổn thương vùng da mới tiêm.

Chế độ dinh dưỡng cũng rất cần thiết. Hãy bổ sung đủ nước và ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin C để hỗ trợ quá trình hồi phục. Tránh xa đồ ăn cay nóng hoặc thức uống có cồn trong ít nhất vài ngày đầu sau khi thực hiện.

Sau khi thực hiện, bạn nên theo dõi tình trạng ngực thường xuyên. Khi cảm thấy có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để nhận được sự can thiệp kịp thời.