1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Ra sau nhà đánh răng, bé 8 tuổi bị rắn lục cắn nguy kịch ngày mùng 1 Tết

Hoàng Lê

(Dân trí) - Khi ra sau nhà bếp đánh răng, bé trai 8 tuổi bất ngờ bị rắn lục đuôi đỏ cắn vào bàn tay, phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng rối loạn đông máu nguy kịch.

Ngày 16/2, đại diện Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) cho biết, trong dịp Tết vừa qua, nơi đây đã tiếp nhận điều trị một trường hợp bị thương nặng vì rắn cắn.

Bệnh nhi là bé Q.Đ. (8 tuổi, ngụ huyện Tân Trụ, tỉnh Long An). Bệnh sử ghi nhận, chiều mùng 1 Tết (10/2) trẻ ra sau nhà bếp đánh răng. Lúc này, bé trai bất ngờ bị rắn lục đuôi đỏ cắn ở bàn tay trái, gây đau và chảy máu. Phát hiện sự việc, người nhà đã tiến hành cầm máu cho trẻ, bắt con rắn và tức tốc đưa bé đi bệnh viện.

Tại cơ sở y tế địa phương, bệnh nhi được sơ cứu, truyền dịch rồi chuyển lên tuyến trên. Thời điểm vào Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, các bác sĩ trực ghi nhận trẻ sưng bầm bàn tay trái lan lên cẳng tay trái, chảy máu thấm gạc, lừ đừ. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhi rối loạn đông máu nặng.

Cộng với hình ảnh con rắn do người nhà mang đến, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị rắn lục đuôi đỏ cắn, xử trí truyền 5 lọ huyết thanh kháng nọc rắn lục đặc hiệu. Tuy nhiên sau 6 giờ truyền huyết thanh, vết rắn cắn sưng to và lan tiếp lên cánh tay trái. Lúc này, bé được truyền thêm 5 lọ nữa.

Ra sau nhà đánh răng, bé 8 tuổi bị rắn lục cắn nguy kịch ngày mùng 1 Tết - 1

Bé trai bị rắn lục đuôi đỏ cắn vào bàn tay trái, gây rối loạn đông máu nặng (Ảnh: BV).

24 giờ sau đó, tình trạng trẻ có cải thiện, hết chảy máu, vết thương rắn cắn bớt sưng bầm. Hiện tại, bệnh nhi đã cơ bản qua cơn nguy hiểm và vẫn đang được theo dõi sát sao.

Các bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh phải phát quang xung quanh nhà, tránh nguy cơ rắn, ong, côn trùng tấn công trẻ. Song song đó, cần hướng dẫn trẻ chú ý tránh đi lại dưới ruộng cỏ, lùm cây vì dễ bị rắn độc tấn công.

Khi lao động, làm việc vùng đồng cỏ, ruộng vườn phải mang giày ủng tránh đi chân đất. Ngoài ra, việc trèo cây cũng có thể bị rắn lục cắn hoặc gây nguy cơ té ngã.

Khi đã bị rắn cắn, cần trách những cách sơ cứu sai lầm như rạch vết thương, hút nọc độc, bôi các chất lạ vào vùng bị cắn, đắp lá cây... Việc sơ cứu không đúng sẽ gây nhiễm trùng, hoại tử, thậm chí phải đoạn chi, nguy hiểm tính mạng.

Thay vào đó, cần đưa nạn nhân rời khỏi hiện trường an toàn, rửa, băng ép và nẹp cố định vùng chi bị rắn cắn. Sau đó nhanh chóng vận chuyển nạn nhân đến bệnh viện để được cấp cứu, truyền huyết thanh kháng nọc độc rắn phù hợp nếu có chỉ định.