Ra đường là hít thở nhiều loại khí độc
Thời gian gần đây có một số thông tin về vấn đề ô nhiễm không khí đang ngày càng nghiêm trọng ở các thành phố lớn khiến người dân rất lo lắng. Vậy theo quan điểm của các chuyên gia y tế đầu ngành, vấn đề này đang thực sự diễn ra như thế nào?
Nhiều chất độc đang tồn tại trong không khí
Trước những lo ngại của nhiều bạn đọc về việc hàng ngày, hàng giờ mọi người phải xông pha ra đường học tập, mưu sinh trong bầu không khí đậm đặc ô nhiễm vì khói xe máy, bụi đường sẽ nguy hại thế nào đối với sức khỏe, PGS.TS. Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, hiện nay ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tình trạng ô nhiễm không khí đã ở mức báo động.
Theo thống kê, 70% nguồn ô nhiễm đó là do khí thải từ các phương tiện giao thông. Hàng ngày, khí thải từ hàng triệu xe máy, hàng trăm nghìn ô tô, nhất là trong tình huống tắc đường xảy ra là một nguồn gây ô nhiễm nghiêm trọng không khí. Nếu gặp những điều kiện như trời nắng, tia cực tím còn gây ra phản ứng quang hóa giải phóng chất độc. Ngoài ra các nhà máy, xí nghiệp, hoạt động đốt rác, rơm rạ, các hoạt động hàng ngày đều thải ra chất độc, chất gây ô nhiễm.
Nguy hiểm nhất phải nói đến chất CO. Đây là chất khi vào cơ thể gây phản ứng ngộ độc, nhiều trường hợp có thể tử vong. Chất NO2 là chất có thể ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn, hệ hô hấp hay hệ miễn dịch của con người, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe. Những chất có trong khí thải xe máy, trong xăng, dầu diezel như benzen có thể gây bệnh ung thư cho con người. Phản ứng quang hóa có thể tạo ra ozon cũng ảnh hưởng tới sức khỏe của chúng ta.
PGS. TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, cho hay, theo cảm quan, không khí ở khu vực thành phố không trong lành bằng nông thôn. Tuy nhiên, một số vùng nông thôn cũng có thể rất ô nhiễm.
Ở thành phố mật độ dân cư đông, có các khu nhà cao tầng tập trung đông dân cư, xe cộ nhiều, giao thông nhiều hơn, tập trung các khu công nghiệp là những yếu tố có thể gây ra ô nhiễm môi trường.
Khi ô nhiễm không khí, đường hô hấp là cơ quan bị ảnh hưởng trực tiếp nhất và nhiều nhất. Đối với bệnh đường hô hấp, nhiễm trùng hô hấp ở nước ta vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất, trong đó có nhiễm trùng đường hô hấp trên như viêm họng, viêm mũi, viêm xoang. Nhiễm trùng đường hô hấp dưới thì có viêm phế quản.
Bệnh mạn tính phải nói đến bệnh hen và bệnh tắc nghẽn phổi mạn tính, đây là những bệnh ảnh hưởng rất rõ tới sức khỏe.
Chúng ta phải nói đến một bệnh lý nữa là ung thư phổi, đặc biệt do thuốc lá. Hút thuốc lá cũng gây ô nhiễm môi trường, gọi là "tự ô nhiễm", và gây nhiễm khói thuốc lá (hay "hút thuốc lá thụ động") cho người xung quanh.
Nói về tác động ô nhiễm không khí với trẻ em, PGS.TS. Nguyễn Thị Diệu Thúy - Trưởng Bộ môn Nhi, Trường Đại học Y Hà Nội nhận định, trẻ em do hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện nên dễ mắc bệnh, chủ yếu là các bệnh lý về đường hô hấp. Mọi thứ liên quan đến ô nhiễm cứ ngấm dần từ khi bà mẹ mang thai đến khi phát triển. Rất nhiều nghiên cứu cũng nói bệnh tự kỷ có liên quan đến ô nhiễm môi trường lâu dài. Trẻ sống trong môi trường ô nhiễm có thể mắc một số bệnh như đái tháo đường hoặc một số bệnh mạn tính khác.
Ô nhiễm thủy ngân trong không khí chưa đáng ngại
Gần đây, người dân Hà Nội đã xôn xao khi có thông tin mức độ ô nhiễm thủy ngân trong không khí đang rất cao.
Phân tích về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Huy Nga nhận định: Thực ra, thủy ngân trong không khí chúng ta hít vào hàng ngày có hàm lượng không đáng kể. Tuy nhiên, ở những vùng bị ô nhiễm thủy ngân nghiêm trọng ảnh hưởng tới hệ thực vật và động vật, chẳng hạn như ở vùng Minamata ở Nhật Bản, nhiễm độc thủy ngân ngấm vào cá, khiến người ăn cá bị nhiễm độc thủy ngân trong thời gian dài có thể bị ảnh hưởng tới hệ thần kinh và bào thai trẻ nhỏ. Đó là do nhà máy công nghiệp ở Minamata đã xả ra một lượng thủy ngân quá lớn ra biển gây ô nhiễm môi trường.
Còn thông tin tại Việt Nam có thời điểm xuất hiện thủy ngân trong không khí. ở mức cao, PGS.TS. Nguyễn Huy Nga cho rằng thông tin này có một sự nhầm lẫn khiến người dân hiểu không đúng.
Cũng có thể có thủy ngân trong không khí, nhất là ở những nơi đốt rác thải, đốt than;... Nếu trong rác thải có đèn neon, nhiệt kế hoặc chất liệu hàn răng sẽ sinh ra chất thủy ngân. Chúng ta chưa có quan trắc và để biết được trong không khí có thủy ngân hay không phải đo đạc bằng phương tiện hiện đại mới chính xác được. Hiện nay mức độ thủy ngân trong không khí chưa phải là điều đáng quan ngại. Các nghiên cứu của nước ngoài đã chỉ ra, chúng ta hấp thụ thủy ngân trong không khí thấp hơn nhiều so với khi chúng ta hàn răng.
PGS. TS Nguyễn Viết Nhung khuyến cáo, thủy ngân nhiễm độc cấp tính có thể gây tử vong còn nhiễm độc lâu dài ảnh hưởng tới thần kinh. Ở trẻ em, nếu bị nhiễm độc thủy ngân lâu dài có thể ảnh hưởng tới phát triển trí tuệ, cơ thần kinh, giảm trí nhớ,.. Để tránh ô nhiễm thủy ngân, chúng ta phải đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc khu vực ô nhiễm và vệ sinh bề mặt, rửa tay chân sau khi lao động.
PGS.TS. Nguyễn Huy Nga cho biết, hiện nay Việt Nam đang hỗ trợ lắp đặt các trạm quan trắc, khi có các trạm quan trắc thì mới thông báo được về tình trạng ô nhiễm. Ở Hà Nội có trạm quan trắc tại phố Nguyễn Văn Cừ, Đà Nẵng ở trên đường Lê Duẩn, Nha Trang đều có các trạm quan trắc môi trường, nó thông báo từng giờ về mức độ ô nhiễm không khí. Bạn có thể vào trang web có tên cem.gov.vn. Tuy nhiên có những trạm quan trắc như ở Đại sứ quán Mỹ tại Láng Hạ cũng quan trắc chất lượng không khí. Trong trang web cem.gov.vn bất cứ thành phố nào của Việt Nam có trạm quan trắc đều được thông báo, cập nhật thông tin theo từng giờ. Thông thường từ 9h đến 15h là thời điểm ô nhiễm cao nhất. Bạn có thể vào trang web ở trên để theo dõi ngay bây giờ.
Tình trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam hiện nay có những thời điểm rất đáng báo động.
Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường thông qua việc đo quan trắc chất lượng không khí, thống kê trung bình năm hàm lượng bụi trong không khí tăng hơn so với Quy chuẩn Việt Nam. So với đánh giá của quốc tế - chỉ số chất lượng không khí gọi là AQI - cũng cao hơn.
Có nhiều mức AQI như AQI dưới 50 là an toàn, không ảnh hưởng đến sức khỏe, AQI từ 50-100 vẫn chấp nhận được. Chỉ số này từ 100-150, trên thang báo động biểu thị màu da cam, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của nhóm người có nguy cơ như người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc những người nhạy cảm với không khí ô nhiễm. Còn AQI từ 150-200, báo động có màu đỏ, nhiều người trong cộng đồng sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, còn từ 200-300 báo động màu tím là nguy hại sức khỏe đối với cộng đồng. Còn chỉ số này trên 300 là đã ở mức cảnh báo về y tế.
Theo Ngọc Phương
Sức khỏe & Đời sống