Quyết giảm tải bệnh viện

(Dân trí) - Người đứng đầu ngành y tế khẳng định: “Không thể để bệnh nhân đến khám không có chỗ ngồi, rồi ôm con sốt ngồi dưới ghế đá, trên thì mái tôn, ngoài trời nắng nóng… đến mình còn phát sốt nữa là bệnh nhân”.

Giảm tải, đổi mới “bộ mặt” khoa khám bệnh

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, đỉnh cao cuối cùng là làm hài lòng người bệnh. Vì thế, đề án này vừa vì mục tiêu giảm tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao năng lực bệnh viện tuyến dưới vừa vì mục tiêu người bệnh được chăm sóc tốt nhất.

Trong đó, việc nâng cấp cơ sở vật chất tại các bệnh viện sẽ cần đặc biệt lưu ý đến “bộ mặt” của khoa khám bệnh. “Một ngày khám bệnh rất nhiều, rất nhiều bệnh nhân nhưng không có ghế ngồi, rất nhếch nhách. Bệnh nhân đến viện chưa đến giờ khám, chưa đến lượt khám đã phải chờ. Rồi đến khi được kê thuốc, lại xếp hàng lấy thuốc, công nghệ thông tin thì không có, toa thuốc điện tử cũng không. Chưa kể vì đông bệnh nhân quá, phải chờ lâu dẫn đến hiện tượng một số người chen ngang… tất cả những điều đó làm bệnh viện trở nên nhếch nhác”, bà Tiến nói.
 
Cảnh chen chúc chờ đợi, nhếch nhách khi đi khám bệnh sẽ dần được khắc phục. Ảnh: H.Hải
Cảnh chen chúc chờ đợi, nhếch nhách khi đi khám bệnh sẽ dần được khắc phục. Ảnh: H.Hải

Người đứng đầu ngành y tế cũng chia sẻ: “Có chứng kiến cảnh đợi chờ vài tiếng ở khoa khám bệnh, đặc biệt là có trẻ con, trên thì mái tôn, dưới thì ghế đá, ngoài trời nắng nóng, con sốt hầm hập, đến mình còn phát sốt, phát điên nữa là bệnh nhân. Vì thế, ngành y tế sẽ quyết tâm đổi mới khoa khám bệnh”.

Với Đề án giảm quá tải bệnh viện được Chính phủ phê duyệt, giải pháp trước mắt là mở rộng diện tích phục vụ điều trị tại 18 bệnh viện công lập và xây dựng cơ sở 2 của một số bệnh viện lớn. Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, đây chỉ là giải pháp trước mắt, mang tính tình thế chứ không thể mở rộng mãi bệnh viện tuyến cuối mà sẽ thực hiện giảm tải tuyến trên, tăng năng lực cho tuyến dưới. Thực hiện được điều này mới thực sự giảm quá tải bệnh viện.

Trong giai đoạn 2013 - 2015 sẽ ưu tiên đầu tư 45 bệnh viện tỉnh là bệnh viện vệ tinh của 14 bệnh viện hạt nhân, tập trung trước mắt cho 5 chuyên khoa: Ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản và nhi. Giai đoạn 2016 - 2020 tiếp tục duy trì kết quả của Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013 – 2015, đồng thời căn cứ vào thực trạng quá tải bệnh viện.

Với chuyên khoa ung bướu, các bệnh viện hạt nhân gồm bệnh viện K, bệnh viện ung bướu TP Hồ Chí Minh, bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện đa khoa trung ương Huế.

Bệnh viện vệ tinh của 5 bệnh viện này gồm 20 bệnh viện, trong đó 6 bệnh viện vệ tinh của bệnh viện K, 6 bệnh viện vệ tinh của BV Ung bướu thành phố Hồ Chí inh, 5 bệnh viện vệ tinh của bệnh viện Bạch Mai, 3 bệnh viện vệ tinh của bệnh viện đa khoa Trung ương Huế.

Trong chuyên khoa ngoại - chấn thương, bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có 6 bệnh viện vệ tinh, bệnh viện đa khoa Trung ương Huế có 6 bệnh viện vệ tinh, Bệnh viện Chợ Rẫy có 2 bệnh viện vệ tinh, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình thành phố Hồ Chí Minh có 4 bệnh viện vệ tinh.

Tương tự, trong chuyên khoa tim mạch, 5 bệnh viện hạt nhân gồm Viện Tim Mạch (BV Bạch Mai), Bệnh viện Trung tâm Tim mạch, BV Đa khoa trung ương Huế, BV Chợ Rẫy, BV Nhân dân Gia định thành phố Hồ Chí Minh sẽ có 17 bệnh viện vệ tinh.

Với chuyên khoa sản, BV Phụ sản trung ương, BV Từ Dũ thành phố Hồ Chí Minh sẽ có 9 bệnh viện vệ tinh.

Chuyên khoa Nhi gồm bệnh viện Nhi trung ương, BV Nhi đồng 1, bệnh viện Nhi đồng 2 thành phố Hồ chí Minh có 10 bệnh viện vệ tinh.

Chuyển giao theo “gói kỹ thuật”

Ngoài ra, đề án 1816 sẽ tiếp tục được thực hiện để chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên về tuyến dưới. Tuy nhiên, sẽ thực hiện theo nhu cầu thực tế của bệnh viện tuyến dưới, cần kỹ thuật gì, chuyển giao kỹ thuật đó và chỉ được coi là thành công khi bác sĩ tuyến dưới đã tự thực hiện được kỹ thuật một cách thành thạo.

Các bệnh viện hạt nhân sẽ đào tạo cho bệnh viện vệ tinh về chuyên môn của bệnh viện mình. Đồng thời tổ chức chuyển giao các gói kỹ thuật cho bệnh viện vệ tinh. Đảm bảo sau chuyển giao các bệnh viện này thực hiện tốt các kỹ thuật. Đồng thời bệnh viện hạt nhân có nhiệm vụ chuyển tuyến người bệnh ở giai đoạn hồi phục về điều trị tại bệnh viện vệ tinh.

Với bệnh viện vệ tinh cần chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực để tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật của bệnh viện hạt nhân. Phải tự thực hiện và đảm bảo duy trì bền vững các kỹ thuật đã được chuyển giao. Không chuyển lên tuyến trên các loại hình bệnh tật thuộc lĩnh vực kỹ thuật đã tiếp nhận chuyển giao, trừ các trường hợp vượt quá khả năng.

TS Lê Hữu Quý, Giám đốc Sở y tế y tế Ninh Bình cho biết, để chuẩn bị làm tốt vai trò bệnh viện vệ tinh, Ninh Bình đã cho nguồn nhân lực đi đào tạo các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Huế. Đặc biệt là sự chuẩn bị cơ sở hạ tầng, Ninh Bình đang xây mới bệnh viện sản nhi với quy mô 400 giường bệnh, nâng cấp toàn diện từ tuyến huyện đến tuyến tỉnh. “Chúng tôi cũng chỉ đạo các bệnh viện tuyển các bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng có trình độ cao theo hình thức xét tuyển để chuẩn bị sẵn nguồn nhân lực cho việc thực hiện dự án. Cách đây 1 năm chúng tôi đã thực hiện kế hoạch đào tạo để các bác sĩ đi học cầm tay chỉ việc ở các tuyến trung ương… nên chắc chắn, ngành y tế Ninh Bình sẽ thực hiện tốt được vai trò bệnh viện vệ tinh trong Đề án”, ông Quý nói.

Mục tiêu khi thực hiện Đề án giảm tải bệnh viện đặt ra đến năm 2015, giảm tối thiểu 15% tỷ lệ chuyển tuyến từ bệnh viện vệ tinh lên bệnh viện hạt nhân so với trước khi thực hiện đề án (năm 2012). 100% bệnh viện hạt nhân thực hiện viện chuyển bệnh nhân ở giai đoạn hồi phục về bệnh viện vệ tinh, giúp rút ngắn thời gian điều trị trung bình hợp lý tại BV hạt nhân. Đảm bảo 100% các kỹ thuật mà bệnh viện hạt nhân đã chuyển giao cho bệnh viện vệ tinh được bệnh viện vệ tinh tự thực hiện tốt và duy trì bền vững.

Hồng Hải