Quảng Trị: Dịch lở mồm, long móng lại bùng phát và lan rộng ra nhiều địa phương

(Dân trí) - Dịch lở mồm, long móng (LMLM) bùng phát và lan rộng ra nhiều xã, phường, thị trấn… khiến hàng trăm gia súc mắc bệnh. Các cơ quan thú y và chính quyền địa phương đang khẩn trương ngăn chặn, dập dịch nhưng vẫn khó kiểm soát.

Dịch lở mồm, long móng (LMLM) ở gia súc xảy ra từ tháng 9 tại ở 4 xã thuộc huyện Hải Lăng. Đầu tháng 10, đã phát sinh thêm 11 xã, phường, thị trấn thuộc các huyện Triệu Phong, Gio Linh, Hải Lăng, TX Quảng Trị và TP Đông Hà, với tổng số 235 con gia súc mắc bệnh, chết.

Do tính chất phức tạp của dịch bệnh, đến đầu tháng 11, trên địa bàn tỉnh xuất hiện thêm 2 ổ dịch mới tại thôn Gia Voòng, xã Vĩnh Trường và thôn Đông Dôn, xã Linh Thượng (huyện Gio Linh), khiến hơn 40 con gia súc mắc bệnh, nâng số lượng gia súc bị bệnh lên gần 300 con. Địa bàn xảy ra dịch bệnh chủ yếu ở vùng rừng núi, vùng đồng bào dân tộc với phương thức canh tác thả rông trâu, bò bừa bãi khiến dịch bệnh lây lan khó kiếm soát.

Dịch lở mồm, long móng trên gia súc đã bùng phát ra nhiều địa phương, khiến hàng trăm con bị bệnh
Dịch lở mồm, long móng trên gia súc đã bùng phát ra nhiều địa phương, khiến hàng trăm con bị bệnh

Để khẩn trương phòng chống dịch, ngăn chặn lây lan trên diện rộng, Chi cục Thú y đã phân bổ hơn 14.000 liều vắc xin, 6 tấn hóa chất về các địa phương. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng địa phương đã khẩn trương tiến hành tiêm phòng, bắt nhốt các gia súc nhiễm bệnh, thực hiện các biện pháp phòng chống, chốt chặn hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Trước đó ngày 4/11, ông Nguyễn Quân Chính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo Sở NN& PTNT, Chi cục Thú y tỉnh đã có chuyến kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh LMLM ở gia súc trên địa bàn 2 xã Vĩnh Trường và Linh Thượng (huyện Gio Linh).

Dịch lở mồm, long móng trên gia súc đã bùng phát ra nhiều địa phương, khiến hàng trăm con bị bệnh
Hơn 14.000 liều vắc xin, 6 tấn hóa chất đã được Chi cục Thú y phân bổ về các địa phương để ngăn chặn dịch lây lan

Ông Chính yêu cầu các địa phương và các ngành liên quan cần khẩn trương khoanh vùng, lập các điểm chốt chặn tránh để gia súc nhiễm bệnh bị di chuyển ra khỏi vùng dịch. Đối với những vùng lân cận cần đề cao biện pháp phòng tránh, tiêm vắc xin phòng chống dịch đại trà, tiêu độc khử trùng đúng yêu cầu.

Đ. Đức 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm