Quảng Trị: Đề xuất Bộ Y tế ban hành quy chuẩn về hàm lượng phenol trong thực phẩm

(Dân trí) - Trước nhiều ý kiến trái chiều cho rằng phenol gây độc hay không độc đối với sức khỏe con người, khẳng định hàm lượng phenol 0,037 mg/kg là bất thường đối với cá, ngành Y tế Quảng Trị cùng các ngành liên quan kiến nghị Bộ Y tế cần đưa ra quy chuẩn về hàm lượng phenol có trong thực phẩm.

Chiều 14/6, UBND tỉnh Quảng Trị đã tổ chức cuộc họp với đại diện các Sở, ngành liên quan xung quanh vụ cá bị nhiễm độc tại kho đông lạnh của bà Lê Thị Thuộc (thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh).

Ngành Y tế Quảng Trị vẫn giữ quan điểm về chất phenol không thể có trong thực phẩm
Ngành Y tế Quảng Trị vẫn giữ quan điểm về chất phenol không thể có trong thực phẩm

Tại cuộc họp lần này, đại diện ngành Y tế vẫn giữ quan điểm chất phenol không được có trong thực phẩm. Ông Hồ Sỹ Biên, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Trị, nhấn mạnh: “Phenol là chất độc, nếu sử dụng từ 2-5 gram sẽ bị ngộ độc cấp. Đây là chất dễ tan trong nước, chậm đào thải,… nếu hấp thụ vào người sẽ phá hủy tế bào não, gây các bệnh về tiêu hóa người lớn, gây ung thu tiền liệt tuyến, đối với trẻ em gây dậy thì sớm…”

Ông Biên nói: “Mặc dù Bộ Y tế chưa có quy chuẩn cụ thể về hàm lượng phenol trong thực phẩm, nhưng sau khi nghiên cứu các quy chuẩn hiện nay về QCVN quy định hàm lượng phenol trong một số loại hình, hàm lượng phenol có trong nước biển là 0,03 Milligam/lit (quy định tại QCVN 10-MT:2015/BTNMT); Hàm lượng phenol và dẫn xuất phenol có trong nước ăn là 1 Microgam/lit (µg) (quy định tại QCVN 01:2009/BYT); Hàm lượng phenol có trong bao bì tiếp xúc trực tiếp hoặc làm từ nhựa phenol là 5 Microgam/lit (QCVN 12-1: 2011/BYT). Như vậy, so với các căn cứ nêu trên đều thấp hơn hàm lượng phát hiện trong lô cá nục là 0,037mg/kg”.

Lô cá nục được xác định bị nhiễm phenol
Lô cá nục được xác định bị nhiễm phenol

Vì vậy, Sở Y tế đã có công văn đề nghị UBND tỉnh tiêu thụ 5 lô hàng trong giới hạn bình thường và tiêu hủy 1 lô hàng bị nhiễm phenol để bảo vệ sức khỏe của nhân dân.

Tuy nhiên, sau đó UBND tỉnh có văn bản thành lập đoàn liên ngành Y tế, môi trường, công an môi trường đến làm việc để niêm phong lô hàng. Qua đó, đã điều tra, xác minh lại chủ hộ khai từ sau 5/5, lô hàng chủ mua rất nhiều ngày không phải một lô, mà nhiều ngày, nhiều lô khác nhau. Cụ thể, qua kiểm tra thì hộ bà Thuộc đã mua số cá trên 9 lần ở 9 tàu cá khác nhau.

“Khi tiến hành bàn bạc thống nhất, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy hải, Chi cục đo lường chất lượng lấy mẫu lại. Lần kiểm tra bổ sung, trong kho đã có sự thay đổi so với lần lấy mẫu thứ nhất, chỉ còn lại 20 tấn cá nục. Đoàn kiểm tra đã chia làm 5 lô, mỗi lô lấy 1 mẫu, mỗi mẫu 1,5kg để gửi đi kiểm nghiệm. Hy vọng trước 17/6 sẽ có kết quả để tham mưu việc xử lý lô hàng cá nục bị nhiễm Phenol”, ông Biên cho biết.

Đoàn kiểm tra lấy mẫu bổ sung để gửi đi phân tích hàm lượng phenol
Đoàn kiểm tra lấy mẫu bổ sung để gửi đi phân tích hàm lượng phenol

Về phía ngành Nông nghiệp, ông Phan Hữu Thặng, Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết, ngành nông nghiệp không có tiêu chí theo dõi về phenol và được biết hiện nay Bộ Y tế cũng chưa có quy chuẩn về hàm lượng phenol trong thực phẩm.

Ông Thặng nói: “Ngày 11/6, đơn vị đã phối hợp với Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm đi kiểm tra, lấy mẫu phân tích tại cơ sở của bà Thuộc. Tuy nhiên, ngày 14/6 phải đi lấy mẫu lại, bởi lô hàng này gồm nhiều lô hàng chứ không phải 1 lô nên lấy nhiều mẫu để tăng độ chính xác”.

Ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở NN-PTNT nói rằng: “Lô cá xác định bị nhiễm phenol là lô hàng cá biệt, lưu trữ sau thời gian cá chết khoảng 10 ngày, còn các mẫu khác qua kiểm tra đều đảm bảo an toàn, được kiểm định ở các cơ quan, đơn vị có tư cách pháp nhân”.

Trước những ý kiến nêu trên, ông Trần Văn Thành, Giám đốc Sở Y tế, nói: “Về tiêu chí phenol thì cả Sở Nông nghiệp và Y tế đều không có quy chuẩn. Nhưng đây là chất độc dùng trong ngành công nghiệp tẩy rửa, không dùng trong công nghiệp thực phẩm. Về hàm lượng 0,037mg/kg như vậy là bất thường đối với cá. Giờ phải lấy mẫu bổ sung để xét nghiệm thêm, nếu có thì phải tiêu hủy”.

Liên quan đến vụ cá bị nhiễm phenol, các ngành cũng nêu ý kiến đề xuất Bộ Y tế đưa ra quy chuẩn cụ thể về hàm lượng phenol trong thực phẩm, từ đó có căn cứ xác định hàm lượng phenol như thế nào là ảnh hưởng tới sức khỏe, để người dân an tâm trong đánh bắt và tiêu thụ.

Quảng Trị: Đề xuất Bộ Y tế ban hành quy chuẩn về hàm lượng phenol trong thực phẩm - 4

Tại buổi họp, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Thông tin về 30 tấn cá nục đã gây ảnh hưởng rất lớn đến tình hình đánh bắt, tiêu thụ, kinh doanh, dịch vụ và hậu cần nghề cá trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Trước ảnh hưởng bởi hiện tượng cá chết thời gian qua, ông Đồng đánh giá cao vai trò các cơ quan, ban ngành trong việc phối hợp khắc phục hậu quả của hiện tượng cá chết hàng loạt trên địa bàn. Tuy nhiên, ông Đồng yêu cầu các Sở, ban ngành cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, cần có sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ và thống nhất hơn trong quá trình thực hiện.

“Trước mắt, vẫn niêm phong số cá nục nói trên để chờ kết quả của các cơ quan Trung ương. Mặt khác, động viên hộ bà Thuộc vượt qua khó khăn, cũng như thu thập lại thông tin chính xác từ bà Thuộc để cung cấp tài liệu cho các cơ quan trung ương nhằm đưa ra kết quả chính xác, bảo vệ an toàn sức khỏe và tính mạng của người dân”, ông Đồng nói.

Trong những ngày qua, Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Quảng Trị cũng đã vào cuộc, lấy mẫu và kiểm tra độc lập. Ông Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở KH&CN cho hay, đến thời điểm này đã lấy mẫu thẩm định 52 mẫu nước, 32 mẫu cá gửi ra Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam kiểm tra.

Đăng Đức

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm