Quan niệm sai lầm về hội chứng són tiểu

(Dân trí) - Són tiểu là một rối loạn chức năng bàng quang (bàng quang tăng hoạt) khiến cho người bệnh mắc tiểu rất cấp bách, rất khó khăn kiềm giữ nước tiểu được, và có thể gây rasón tiểu (tiểu không kiểm soát). Xung quanh hội chứng này có nhiều quan niệm sai lầm bạn không nên mắc phải:

 

Quan niệm sai lầm về hội chứng són tiểu - 1

1. Són tiểu vì cười to

Sự thật: Bàng quang tăng hoạt liên quan đến mót tiểu mạnh mẽ, đột ngột, đôi khi gây ra những “tai nạn”. Bạn đi tiểu hơn 8 lần 1 ngày và có thể dậy đi tiểu nhiều hơn 2 lần trong đêm.

Són tiểu khi bạn cười, ho hoặc khi gắng sức là một triệu chứng khác, được gọi là són tiểu do stress. Tuy nhiên, bàng quang tăng hoạt có thể có cả hai tình trạng này.

2. Đi tiểu rắt là bình thường ở người cao tuổi

Sự thật: Đi tiểu rắt là không bình thường ở tất cả mọi độ tuổi. Són tiểu xuất hiện phổ biến hơn khi bạn về già, nhưng nó không chỉ giới hạn ở độ tuổi hưu trí. Những người trung tuổi, thanh niên và thậm chí trẻ em cũng có thể bị tình trạng này.

3. Són tiểu chỉ là mối bận tâm của phụ nữ

Sự thật: Phụ nữ dễ cần đến trợ giúp y tế vì chứng bệnh này hơn nam giới. Nhưng són tiểukhông “phân biệt” giới tính. Trên thực tế, bước vào tuổi 60, số nam giới có triệu chứng bệnh này nhiều hơn phụ nữ.

4. Sẽ không sao miễn là đi vệ sinh đúng lúc

Sự thật: Theo Hội Tiểu tiện tự chủ Quốc gia Mỹ, có khoảng 12,2 triệu người trưởng thành Mỹ bị tình trạng này, gọi là tiểu gấp không tự chủ. Một số người bị chứng són tiểu gặp rắc rối trong kiểm soát cảm giác mót tiện. Nếu họ không đi vệ sinh kịp thời, họ có thể gặp cự cố.

5. Són tiểu là do bàng quang nhỏ

Sự thật: Mót tiểu đột ngột và mạnh thường do các cơn co thắt bàng quang không tự chủ. Ở nam giới, tuyến tiền liệt phì đại có thể góp phần khiến bàng quang tăng hoạt động. Ở những người bị các rối loạn thần kinh như đa xơ cứng hoặc đột quỵ, những tín hiệu lỗi giữa não và bàng quang có thể đóng vai trò.

6. Để kiểm soát són tiểu chỉ được uống 4 cốc nước mỗi ngày

Sự thật: Giảm mạnh lượng nước uống không tốt cho sức khỏe. Mặc dù bạn sẽ ít đi tiểu hơn, nhưng nước tiểu có thể đặc hơn. Nước tiểu vàng sẫm, có mùi gắt sẽ kích thích bàng quang, vì vậy bạn lại có thể cần đi tiểu thường xuyên hơn. Bạn cần uống 6 tới 8 cốc nước mỗi ngày.

7. Nên tranh thủ đi vệ sinh mỗi khi có dịp

Một số người bị chứng bàng quang tăng hoạt mắc phải thói quen đi vệ sinh để “phòng hờ”. Tuy nhiên, điều này chỉ làm tăng tần suất đi vệ sinh - trong khi mục tiêu cần hướng tới là giảm số lần đi vệ sinh, chứ không phải là tăng.

8. Bạn không thể làm gì với chứng són tiểu

Sự thật: Bệnh này vẫn có thể điều trị hiệu quả, vì vậy đừng ngại trao đổi với bác sĩ về triệu chứng bệnh. Các phương pháp hành vi như thay đổi chế độ ăn, tập luyện cơ chậu và bàng quang thường có lợi. Bệnh cũng có thể được điều trị bằng thuốc.

9. Nếu đã dùng một thuốc điều trị bệnh, thì luôn phải dùng thuốc đó

Sự thật: Có một số loại thuốc khác nhau được Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ phê chuẩn để điều trị chứng bàng quang tăng hoạt. Nếu một thuốc gây tác dụng phụ như khô miệng, táo bón hoặc mờ mắt, bạn có thể đề nghị bác sĩ đổi thuốc khác. Bạn có thể thử công thức thuốc giải phóng kéo dài hoặc chuyển từ thuốc viên sang miếng dán da hoặc gel. Có rất nhiều lựa chọn.

10. Nếu liệu pháp hành vi và thuốc không có tác dụng, bạn chỉ còn biết trông chờ vào may mắn

Sự thật: Đa số những người có bàng quang hoạt động quá mức được điều trị hiệu quả bằng liệu pháp hành vi và thuốc. Nhưng với những người không nằm trong số này, vẫn có những phương pháp khác, gồm kích thích dây thần kinh kiểm soát bàng quang và tiêm Botox vào bàng quang để làm thư giãn bàng quang.

Hà Ngân

Theo Healthguide