1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Khánh Hòa:

Quá trình cấp cứu 3 trẻ tử vong khi tham gia phẫu thuật “hở hàm ếch”

(Dân trí) - Trưa 25/8, Đại tá Phạm Văn Tiện, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân Y 87 (đóng tại Nha Trang) đã có buổi gặp mặt các cơ quan báo chí để thông tin chính thức về vụ việc 3 cháu bé tử vong sau khi tham gia phẫu thuật “hờ hàm ếch” tại Bệnh viện.

Quá trình cấp cứu 3 trẻ tử vong khi tham gia phẫu thuật “hở hàm ếch”
Đại tá Phạm Văn Tiện, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân Y 87 (đóng tại Nha Trang) trao đổi với báo chí sau vụ việc.

Theo Đại tá Tiện, vụ việc xảy ra sau khi 3 cháu đến Bệnh viện để tham gia Chương trình phẫu thuật miễn phí cho trẻ bị “hở hàm ếch” do Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ phẫu thuật Nụ Cười (OSCA, Hà Nội) phối hợp với Bệnh viện Quân Y 87 tổ chức vào ngày 23/8. 

Đại tá Tiện cho biết, quy trình để các bé được tham gia phẫu thuật từ thiện được tiến hành rất chặt chẽ, khám sàng lọc rất kỹ. Theo đó, trong số 89 cháu ban đầu đã tiến hành khám sàng lọc được 68 cháu. Tiếp đó, sau khi xét nghiệm, đánh giá xét nghiệm và khám trước mổ thì có 56 cháu được đưa vào diện mổ. 

Sáng 23/8, sau khi xảy ra tai biến đối với 3 cháu nói trên, chương trình đã dừng lại; và đến thời điểm đó đã có tất cả 11 cháu được thực hiện phẫu thuật. Tuy nhiên, ngoài 3 cháu tử vong, 8 cháu khác đã được xuất viện về nhà.

Theo thông tin ban đầu từ Đại tá Tiện, vào ngày 22/8, cháu Nguyễn Ngọc Tuyết Vân (sinh ngày 24/8/2013, quê Diên Phú, Diên Khánh, Khánh Hòa) vào viện và được chẩn đoán khe hở vòm miệng toàn bộ trái. Hôm sau, cháu Vân được các chuyên gia gây mê khám, đánh giá: “Tình trạng sức mổ tỉnh táo, tiếp xúc tốt, không ho, không sốt, thông khí 2 phổi rõ, nhịp tim đều, các xét nghiệm trong giới hạn bình thường...

Đến 8h15 cùng ngày, cháu Vân được đưa vào phòng mổ và tiến hành gây mê theo quy trình của OSCA. Sau khi đặt nội khí quản để chuẩn bị phẫu thuật thì cháu Vân xuất hiện rối loạn nhịp tim nên các chuyên gia quyết định không phẫu thuật để cấp cứu. Sau đó, cháu Vân bị tím tái, nhịp tim giảm dần nhưng nhờ được xử trí đã dần ổn định trở lại. Sau khoảng 30 phút, cháu Vân lại xuất hiện rối loạn nhịp tim, có dấu hiêu nặng nên cháu được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa.

Đối với cháu Pi Năng Tuấn Hữu (30/4/2013, quê Khánh Bình, Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) vào viện ngày 22/8 với chẩn đoán: khe hở vòm toàn bộ trái, tình trạng trước mổ ổn định. Đến 9h30 ngày 23/8, cháu Hữu được đưa vào phòng mổ và được tiến hành gây mê theo quy trình của OSCA. Sau khoảng 10 phút đặt nội khí quản, cháu Hữu xuất hiện rối loạn nhịp tim, môi có dấu hiệu tím tái… và được tiến hành cấp cứu. Sau đó, thấy tình hình cháu Hữu không khả quan và đến 11h cùng ngày được chuyển Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cấp cứu.

Trong khi đó, cháu Nguyễn Quang Minh (sinh ngày 21/6/2013, quê TP Nha Trang) vào viện ngày 22/8 với chẩn đoán: khe hở ngang mặt và dị tật vùng dái tai chạm phải, trình trạng trước mổ ổn định. Cháu được đưa vào phòng mổ tiến hành gây mê theo đúng quy trình của OSCA, đặt nội khí quản thuận lợi, phẫu thuật tạo hình khép môi và dị tật vùng dái tai thuận lợi. Sau mổ cháu tỉnh táo, đủ tiêu chuẩn rút ông nội khí quản và được tiến hành rút ống nội khí quản chuyển về hồi tỉnh theo dõi. Sau khoảng 30, cháu có biểu hiện bất thường và được xử trí thở ô-xy… Sau đó, cháu được chuyển Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa cấp cứu.

Quá trình cấp cứu 3 trẻ tử vong khi tham gia phẫu thuật “hở hàm ếch”
Bác sỹ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa trao đổi với báo chí liên quan đến sự việc.

Trưa ngày 25/8, trao đổi với PV Dân trí, bác sỹ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, cho biết cháu Vân được Bệnh viện Quân Y 87 đưa vào nhập viện lúc 9h47 ngày 23/8 trong trình trạng: ngưng tuần hoàn hô hấp ngoại viện, thân nhiệt 36,50, sau đó được truyền dịch, đặt nội khí quản, thở máy, nâng huyết áp…. Bệnh nhi được Hội chẩn toàn viện lúc 12h cùng ngày, và được chẩn đoán vẫn là ngưng tuần hoàn hô hấp ngoại viện, theo dõi quá liều thuốc gây mê, điều trị hồi sức tích cực. Đến 14h45' cùng ngày, bệnh nhi Vân ngưng thở và tử vong.

Trong khi đó, cháu Minh nhập viện vào 13h31' ngày 23/8 trong tình trạng: suy hô hấp sau mổ hậu phẫu tạo hình vành tai phải, mê sâu, nhịp tim nhanh, bóp bóng qua nội khí quản… Sau đó được các bác sỹ chuyển ngay qua Hồi sức Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa. Tại đây, bệnh nhi Minh được thở máy, nâng huyết áp, truyền dịch, truyền máu, và cấp cứu liên tục cho đến lúc tử vong vào lúc 14h20 ngày 24/8. Chẩn đoán sau tử vong của cháu Minh là “suy tuần hoàn hô hấp nghi do sốc phản vệ với thuốc gây mê”.

Đối với cháu Hữu, vào viện Đa khoa Khánh Hòa lúc 10h44 ngày 23/8 trong tình trạng: khó thở, lơ mơ… Ngay sau đó được cho thở máy, truyền dịch, nâng huyết áp, theo dõi tích cực. Sau đó, Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa đã Hội chẩn toàn viện, chẩn đoán: bệnh nhi “ngưng tuần hoàn hô hấp ngoại viện nghi do quá liều thuốc gây mê”. Mặc dù bệnh nhi Hữu được các bác sỹ nỗ lực cứu chữa nhưng đến khoảng 10h ngày 25/8 cháu đã không qua khỏi.

Trao đổi thêm về vụ việc trên, Đại tá Phạm Văn Tiện, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân Y 87 cho biết sau xảy ra sự việc, Bệnh viện đã báo cáo vụ việc với các cơ quan cấp trên như Cục Quân Y, Phòng Quân y Quân chủng Hải quân và Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa. Hiện các bên liên quan đã thành lập Hội đồng khoa học để đánh giá, xác định đâu là nguyên nhân vụ việc nói trên.

“Thực ra, kết luận cuối cùng để dành cho các đoàn kiểm tra và những chuyên gia, còn bước đầu chúng ta phải được quyền nghĩ. Hiện Bệnh viện 87, Trung tâm và Bệnh viện tỉnh đang nghĩ đến hướng là sốc thuốc…”, Đại tá Tiện nói.

Ngay sau vụ việc xảy ra, Bệnh viện Quân Y và OSCA đã tiến hành thăm hỏi, động viên gia đình nạn nhân. Đại tá Phạm Văn Tiện cho biết đây là Chương trình từ thiện, miễn phí hoàn toàn nên xảy ra sự việc trên là điều đáng tiếc. 


“Mấy ngày qua, Ban giám đốc Bệnh viện đến cán bộ, nhân viên cũng chưa thoát khỏi trạng thái sốc, sốc nặng và buồn. Bởi chúng ta làm việc từ thiện nhưng sự việc xảy ra nằm ngoài mong muốn…”, Đại tá Tiện tâm sự.

Báo Dân trí tiếp tục thông tin.

Viết Hảo