1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Quá chìm đắm trong thế giới ảo, nam sinh bỏ học, bỏ ăn

Nam Phương

(Dân trí) - Nam sinh dành 10-12 tiếng/ngày để chơi game. Thậm chí nếu được nghỉ học, cậu dành cả ngày để chơi, chỉ ăn uống qua loa như mì tôm hay nước tăng lực. Cuối cùng, gia đình phải đưa cậu vào viện điều trị.

Nam sinh 21 tuổi được gia đình đưa vào Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) điều trị vì dễ cáu gắt, chơi game online nhiều. Trước đó, cậu là sinh viên khoa công nghệ sinh học tại một trường đại học của Hà Nội tuy nhiên, hiện đã phải dừng học. 

ThS.BS Nguyễn Thành Long, Phòng Sử dụng chất và Y học hành vi, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, bệnh nhân có những sang chấn tâm lý thời ấu thơ. Bố mẹ ly hôn khi cậu học lớp 7, từ đó cậu sống với mẹ còn anh trai ở với bố.

Thấy con thiệt thòi nên mẹ rất chiều chuộng. Cũng vào thời điểm này, cậu bắt đầu chơi game online nhiều. 

Quá chìm đắm trong thế giới ảo, nam sinh bỏ học, bỏ ăn - 1

BS Nguyễn Thành Long, Phòng Sử dụng chất và Y học hành vi, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh: Nam Phương).

Bệnh nhân chơi cả ngày lẫn đêm, chỉ cần được nghỉ học là dùng máy tính để chơi game. Nam sinh dành 10-12 tiếng/ngày để chơi game. Thậm chí nếu được nghỉ học, cậu dành cả ngày chơi game, chỉ ăn uống qua loa như mì tôm hay nước tăng lực. 

Khi được mẹ khuyên bảo, tắt máy tính thì bệnh nhân cáu gắt, cãi lại mẹ, thậm chí có lúc đánh lại mẹ. Bệnh nhân không còn thích thú với những sở thích cũ như đá bóng, trò chuyện với bạn bè. Kết quả học tập của nam sinh dần sa sút, từ học lực khá giỏi xuống học lực trung bình. 

Sau đó, gia đình đã đưa cậu đến điều trị tại Viện Sức khỏe tâm thần. Bệnh nhân đã điều trị rối loạn tâm thần 2 đợt nhưng bệnh thuyên giảm ít. 

BS Long cho biết, khoảng 2 tuần trước khi vào viện, mẹ bệnh nhân đã thu máy tính không cho chơi game, bệnh nhân trở nên cáu gắt, chửi bới mẹ. Nam sinh tìm mọi cách để có máy chơi game. 2 ngày trước vào viện, bệnh nhân có biểu hiện bồn chồn, cáu gắt nhiều, đêm ngủ kém, khoảng 2-3 tiếng/đêm, ăn uống kém.

Cha mẹ cần giám sát thời gian chơi game, sử dụng máy tính của trẻ như thế nào?

Đây là một trường hợp điển hình của việc nghiện game, internet. Theo BSCKII Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc, Phó phòng Sử dụng chất và Y học hành vi, bản chất việc lạm dụng internet/game cũng tác động đến tâm thần giống như sử dụng chất. Nghiện game là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất.

Quá chìm đắm trong thế giới ảo, nam sinh bỏ học, bỏ ăn - 2

BSCKII Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc, Phó phòng Sử dụng chất và Y học hành vi (Ảnh: Nam Phương).

"Việc nghiện game, internet có thể gây rối loạn tâm thần như trầm cảm, lo âu và căng thẳng. Bên cạnh đó, nó còn làm giảm khả năng giao tiếp và xã hội, gây mất ngủ, rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng đến thành tích học tập và công việc", BS Ngọc nhấn mạnh.

Theo chuyên gia, cha mẹ cần nghĩ đến khả năng trẻ nghiện internet, nghiện game khi trẻ sử dụng internet không với mục đích học tập, làm việc từ 1 đến 2 tiếng hoặc trên 4 tiếng một ngày, kèm theo các biểu hiện như tăng thời gian sử dụng, giảm hứng thú với các hoạt động khác, phản ứng mạnh mẽ khi bị hạn chế thời gian sử dụng…

Nguyên nhân người trẻ nghiện game là do sự phát triển tâm sinh lý muốn trở thành người lớn, muốn được tôn trọng hoặc do sang chấn tâm lý thời thơ ấu. Khi nghiện người bệnh chơi game như một cách thể hiện bản thân và cảm xúc. 

Nhiều trường hợp cảm thấy sự yếu kém của bản thân do thất bại trong cuộc sống thực tại, tự ti về bản thân, không được tôn trọng. Các bạn trẻ sẽ khẳng định bản thân ở thế giới ảo. 

Khi phát hiện trẻ có biểu hiện nghiện game, internet cha mẹ cần giám sát thời gian sử dụng của trẻ. Cụ thể, thời gian sử dụng máy tính, điện thoại để chơi game không quá 1 tiếng với ngày bình thường và không quá 2 tiếng với ngày nghỉ. 

Đồng thời, cha mẹ cần cân bằng các hoạt động khác cho trẻ, cho trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa, các môn thể thao phát triển thể chất, vui chơi lành mạnh. 

Khi thấy trẻ không cải thiện tình trạng, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa tâm thần để được điều trị phù hợp.