Phù hoàng điểm do đái tháo đường là nguyên nhân gây mù hàng đầu ở người trong độ tuổi lao động

Bệnh phù hoàng điểm do đái tháo đường (DME) là nguyên nhân hàng đầu gây mù ở người trong độ tuổi lao động, có thể xảy ra ở cả đái tháo đường type 1 và đái tháo đường type 2. Ước tính có khoảng 8% bệnh nhân đái tháo đường bị phù hoàng điểm làm suy giảm thị lực.

Bệnh này gây tổn thương các mạch máu nhỏ của võng mạc. Dịch bị rò rỉ từ các mạch máu tổn thương vào vùng võng mạc trung tâm gây phù và dẫn đến giảm thị lực nếu không được điều trị. Các yếu tố liên quan đến phù hoàng điểm do đái tháo đường như nồng độ HbA1c, thời gian bị đái tháo đường, tăng huyết áp tâm trương, giới tính. Tần suất theo dõi bệnh nhân bệnh võng mạc đái tháo đường tùy thuộc vào mức độ trầm trọng của bệnh lý võng mạc cũng như tình trạng phù hoàng điểm có ý nghĩa trên lâm sàng, thay đổi từ 2-12 tháng. Kiểm soát đường huyết là biện pháp hiệu quả nhất trong điều trị bệnh võng mạc đái tháo đường. Bên cạnh các phương pháp điều trị bằng laser, corticosteroids, các nghiên cứu ngắn hạn gần đây đã phát hiện lợi ích khi tiêm vào nội nhãn thuốc ức chế các yếu tố kích thích phát triển mạch máu, được biết như yếu tố phát triển tế bào nội mô mạch máu (Vascular Endothelial Growth Factor VEGF) có thể ngăn ngừa sự rỉ dịch và gây phù hoàng điểm từ các mạch máu.

Bên cạnh việc kiểm soát đường huyết, bệnh nhân đái tháo đường cần được khám mắt định kỳ để phát hiện bệnh võng mạc đái tháo đường. Đối với đái tháo đường type 1 nên khám mắt lần đầu sau 3-5 năm phát hiện và sau đó theo dõi hàng năm. Còn đối với đái tháo đường type 2 nên khám mắt lần đầu ngay khi phát hiện bệnh và theo dõi hàng năm.

Cần làm gì để phòng chống các bệnh đáy mắt gây mù thường gặp:

Người già, các bệnh nhân đái tháo đường, bệnh tim mạch, xơ vữa mạch máu… cần khám mắt định kì hàng năm ở các bệnh viện, trung tâm mắt có khám chuyên khoa đáy mắt, đặc biệt các cơ sở có các phương tiện chẩn đoán hỗ trợ như chụp đáy mắt màu, chụp cắt lớp quang học, chụp mạch huỳnh quang.

Bệnh nhân ĐTĐ cũng có thể tự kiểm tra thị lực cả 2 mắt tại nhà bằng cách sử dụng lưới Amsler, theo các bước sau:

◊ Đeo kính (nếu đã có vấn đề thị lực khác như cận thị);

◊ Giữ thẳng tay cầm lưới Amsler phía trước mặt, ngang tầm mắt;

◊ Che một mắt. Mắt còn lại tập trung nhìn thẳng vào điểm màu đen ở trung tâm của lưới trong khoảng 10 giây;

◊ Lưu ý là phải đảm bảo có thể nhìn thấy điểm trung tâm cùng với cả 4 góc và cạnh của lưới;

◊ Kết quả bất thường nếu nhìn thấy các đường thẳng của lưới bị nhòe, gợn sóng, đứt gãy hoặc biến mất.

◊ Lặp lại tương tự cho mắt thứ 2.

LƯỚI AMSLER giúp tự kiểm tra tình trạng thị lực thường xuyên
LƯỚI AMSLER giúp tự kiểm tra tình trạng thị lực thường xuyên

Khi có các dấu hiện mắt mờ đột ngột, có điểm mờ ở trung tâm hình ảnh, hoặc nhìn thấy hình ảnh bị méo mó, biến dạng cần nhanh chóng tới các cơ sở có bác sĩ chuyên khoa đáy mắt và có các phương tiện chuẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

ThS.BS. Trần Thị Tuyết Nhung

Thông tin thêm về các bệnh lý đáy mắt và liệu pháp điều trị, vui lòng liên lạc:

Khu khám bệnh và tư vấn điều trị bệnh võng mạc đái tháo đường – Bệnh viện Mắt Hà Nội (37 Hai Bà Trưng, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Điện thoại: 0914878690 / 0915223781

“Bài viết này được thực hiện dưới sự tài trợ của quỹ hỗ trợ giáo dục không giới hạn của Novartis.”