Phòng ngừa ung thư ở trẻ em

(Dân trí) - Dù chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ (1 - 2%) nhưng ung thư nhi có tác động tâm lý - xã hội vô cùng sâu sắc bởi tỉ lệ tử vong khá cao (10%). Có lẽ vì thế mà cuộc thảo luận “Tìm hiểu và phòng ngừa ung thư ở trẻ em” đã thu hút được sự quan tâm của nhiều bậc phụ huynh.

Cuộc thảo luận giữa Bác sĩ Anselm Chi-wai Lee, chuyên gia y tế cao cấp tư vấn và điều trị ung thư nhi tại TT Ung thư Parkway (Singapore), trưởng khoa huyết học và ung thư nhi bệnh viện Tuen Mun (Hong Kong) và các bậc phụ huynh tại trường Tiểu học Quốc tế VIP tối qua đã mang lại rất nhiều thông tin bổ ích và lý thú. Dưới đây là một phần của buổi thảo luận này:

 

Hỏi: Trẻ nhỏ có thể bị ung thư? Ung thư nhi có thể điều trị và khả năng thành công?

 

Thực tế, tỉ lệ mắc ung thư ở trẻ em chỉ là 15/100.000 trẻ, trong đó 1/500 trẻ bị ung thư trước khi 18 tuổi. Tỉ lệ này thực sự rất nhỏ so với các trường hợp ung thư ở người lớn.

 

Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cũng không nên quá lo lắng nếu con mình không may mắc phải căn bệnh này bởi cứ 3 trẻ bị ung thư sẽ có 2 trẻ được điều trị khỏi, sống khỏe mạnh và thậm chí là thành danh sau này.

 

Hỏi: Trong hiệu quả điều trị bệnh, bác sĩ nhấn mạnh tới yếu tố phát hiện bệnh sớm và phương thức điều trị. Vậy làm thế nào để phát hiện bệnh sớm?

 

Trước tiên cần phải nhận biết được các dấu hiệu đáng ngờ:

 

- Tình trạng đau/nhức xương:

Đau xương hoặc khớp, cơn đau chuyển từ chi này sang chi khác

Trẻ bị đau đến mứckhông thể cử động nổi chi bị đau.

Kèm theo sưng tấy ở vùng bị đau

 

- Khối u:

Trên bề mặt da hoặc dưới da hoặc trong bụng bị sưng tấy.

Các cơn đau ở các vùng này diễn ra không thường xuyên (nếu xương không bị ảnh hưởng).

 

- Phản xạ ánh sáng trắng trong mắt:

Phát hiện khi chiếu sáng vào mắt tổn thương

Dễ dàng phát hiện trong trường hợp chụp ảnh có đèn flash

 

Tuy nhiên, đôi khi ngay cả khi không có những dấu hiệu trên thì trẻ vẫn có thể bị ung thư nếu trẻ sống trong môi trường có người hút thuốc lá (hút thuốc thụ động), chế độ dinh dưỡng, luyện tập không hợp lý; trẻ bị thừa cân, béo phì và không được tiêm chủng đầy đủ.

 

Hỏi: Vậy làm thế nào để phát hiện bệnh ung thư ở trẻ em khi các dấu hiệu không rõ ràng?

 

Trước tiên, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám để được tư vấn tới các chuyên khoa liên quan cũng như làm các xét nghiệm cụ thể (kiểm tra máu, sinh thiết tủy xương, chẩn đoán hình ảnh - X-quang, chụp CT, chụp cộng hưởng từ, chụp xương, chụp kiểm tra u thần kinh nội tiết, chụp PET-CT)”.

 

Hỏi: Ung thư có thể phòng ngừa?

 

Dù là dạng bẩm sinh hay bội nhiễm thì ung thư hoàn toàn có thể phòng ngừa được dựa trên các nguyên tắc cơ bản sau:

 

- Không hút thuốc và giáo dục trẻ em tránh xa thuốc lá cũng như khu vực có khói thuốc lá.

 

- Chế độ dinh dưỡng, luyện tập hợp lý, phù hợp với lứa tuổi và đặc biệt không để trẻ thừa cân, béo phì.

 

- Tiêm ngừa vắc xin viêm gan B (virus viêm gan B chính là tác nhân dẫn tới ung thư gan ở trẻ em).

 

- Tiêm ngừa vắc xin HPV (virus u nhú là tác nhân dẫn tới ung thư tử cung ở các bé gái).

 

Xin chân thành cảm ơn bác sĩ!

 

Phương Nga (ghi)

 

Các bệnh ung thư thường gặp ở trẻ em

Dòng sự kiện: Chăm sóc trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm