1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Phòng ngạt khí độc

(Dân trí) – BS Nguyễn Trung Nguyên cho biết "Trung tâm chống độc bệnh viện Bạch Mai đã từng tiếp nhận rất nhiều ca ngộ độc do bí khí khi xuống hầm sâu, xuống giếng…".

Những cái chết thương tâm

 

Mới đây nhất là cái chết thương tâm của ba người ở xã Bình Hòa, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi do bị ngạt hơi độc dưới giếng. Ngày 19/6, Tô Ngọc Hồng Phương (18 tuổi) dùng môtơ để bơm nước từ giếng lên để tưới nước vườn.

 

Do bơm nước bị hỏng, anh trèo xuống để sửa thì bị rơi xuống giếng. Thấy anh bị rơi xuống giếng, anh Tô Huy Tâm (26 tuổi, là em con chú của Phương) và anh Tô Ngọc Thế Vũ (21 tuổi) trèo ứng cứu, cũng bị rơi luôn xuống giếng.

 

Người dân trong xóm đã dùng dây và móc đưa 3 nạn nhân lên khỏi giếng để đưa đi cấp cứu nhưng đã muộn. Theo người dân, giếng nước này có độ sâu 6m, nước trong giếng sâu 1m và từ lâu đã không dùng để sinh hoạt, chỉ để tưới vườn. Do vậy, có khả năng trong giếng tích tụ khí độc, gây ngạt dẫn đến chết người.

 

Tương tự với các ca tử vong do ngạt khí dưới giếng là những cái chết thương tâm do khí biogas như trường hợp ông Lê Đình Thạch ở xã Xuân Khuê, huyện Lý Nhân, Hà Nam, trong khi đang rửa hầm biogas bị nhiễm khí độc ngã vật xuống. Con trai ông và 2 người hàng xóm thấy vậy liền nhảy xuống hầm ủ khí để cứu nhưng vì khí độc trong hầm quá nhiều nên cũng đều tử vong.

 

Trước đó, tại gia đình anh Nguyễn Văn Sơn ở xã Trung Hà, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng cũng xảy ra một vụ ngạt khí mêtan trong hầm khí biogas, khiến một người chết và 2 người phải đi cấp cứu.

 

Theo BS Nguyên, đối với người dân ở vùng nông thôn thì việc sử dụng giếng đào và hầm khí biogas là rất phổ biến. Các vụ tai nạn thường xảy ra khi người dân xuống giếng, xuống hầm biogas để vệ sinh giếng, vệ sinh hầm, nhặt các vật dụng bị rơi hay sửa chữa máy bơm.

 

Do khí độc?

 

Các nhà chuyên môn khẳng định, thủ phạm giết người chính là các khí cacbon không màu, không mùi, không duy trì hô hấp, có nhiều ở những nơi có sự phân hủy các chất hữu cơ. Các nạn nhân chết vì thiếu oxy và hít phải các khí độc (CO, CO2, CH4, H2S...) tích tụ lại trong lớp nước dưới đáy giếng.  Những giếng khơi sâu cũng dễ là nơi tích tụ nhiều khí CO2.

 

Ở các hầm khí biogas, khí biogas được sinh ra khi xác động vật và các chất hữu cơ lên men trong điều kiện hiếm khí. Khí biogas gồm khoảng 60% mêtan (CH4), 40% carbonic (CO2) và dưới 1 % H2S. Mêtan không màu, không mùi, làm cho khí biogas có thể cháy được, còn H2S chiếm số lượng ít nhưng làm khí gas có mùi hăng khó chịu.

 

Phòng ngạt khí như thế nào?

 

Khi hầm khí biogas có hiện tượng đóng váng (màng sinh học dày lên) khiến khí lên ít, không nên tự ý vệ sinh hầm ngay mà cần báo cho cơ quan chuyên môn xử lý.

 

Hoặc cũng có thể tự xử lý, nhưng trước đó phải mở nắp hầm ủ khí một thời gian dài để khí mêtan bay hết, sau đó dùng gậy chọc phá màng sinh học, bơm nước vào để đẩy lớp váng ra. Sau khi chọc thủng lớp váng, phải chờ vài tiếng mới được mở nắp hầm. Tuyệt đối không tự xuống hầm ủ khí trong bất cứ trường hợp nào nếu không có sự kiểm tra và hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.

 

Trong quá trình sử dụng, nếu khí biogas xì ra ngoài trong phòng kín hẹp có thể gây ngạt hoặc tạo hỗn hợp nổ với không khí, vì vậy cần mở cửa nhà bếp thông thoáng trước khi dùng.

 

Trước khi xuống giếng (kể cả giếng hay sử dụng) cũng nên có biện pháp thử xem dưới giếng có khí độc không. Tốt nhất là thắp một ngọn nến, hay ngọn đèn, thòng dây thả dần xuống sát mặt nước dưới đáy giếng trước, nếu ngọn nến vẫn cháy sáng bình thường là không khí dưới đáy giếng vẫn đủ oxy để thở. Trái lại, nếu ngọn nến chỉ cháy leo lét rồi tắt thì không nên xuống vì không khí dưới đáy giếng thiếu oxy, và có nhiều khí CO2 hoặc các khí độc khác. Cũng có thể nhốt một con gà hay một con chim vào trong lồng, buộc dây thả dần xuống gần sát mặt nước giếng, nếu con vật bị chết ngạt là dưới giếng có nhiều khí CO2 hoặc các khí độc khác, người không xuống được.

 

Sau đó, nên làm thông thoáng khí dưới đáy giếng trước khi xuống. Có thể cắt một cành cây to nhiều lá buộc dây dài thả xuống đáy, rồi rút lên thả xuống nhiều lần trước khi cho người xuống. Hoặc có thể bơm khí để tạo sự thông thoáng vào trao đổi ôxy khí trời trước khi xuống giếng.

 

“Tuy nhiên các phương pháp trên chỉ áp dụng đối với một số trường hợp nhất định và tính an toàn không cao và chưa xác định được chính xác thời gian an toàn khi xuống giếng. Do đó khi áp dụng các phương pháp trên thì khi xuống giếng người xuống cần đeo dây bảo hiểm và có người ở trên miệng giếng kéo lên khi có sự cố”, BS Nguyên cảnh báo.  

Hồng Sam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm