Phòng bệnh văn phòng

Ngồi tại chỗ phần lớn thời gian, ít vận động, thường bỏ ăn sáng hoặc ăn các món chế biến sẵn, thực đơn buổi trưa không đa dạng... là nguyên nhân nảy sinh một loại bệnh ở giới này: bệnh văn phòng.

Phòng bệnh văn phòng

Hình ảnh thường thấy trong giờ nghỉ của giới “cổ cồn trắng”: lại tiếp tục ngồi! Ảnh: Hồng Thái

 

Điểm danh bệnh văn phòng

 

Các nhóm bệnh về cơ xương khớp: mỏi cổ, đau lưng, đau khớp, hội chứng vai gáy hoặc hội chứng ống cổ tay. Nguyên nhân do tư thế ngồi, tư thế làm việc không phù hợp. Nhóm bệnh này ban đầu có mức độ nguy hiểm thấp, nhưng gây khó chịu và giảm khả năng vận động, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và công việc. Nếu để lâu có thể gây các biến chứng nặng nề hơn, thậm chí là tàn phế.

 

Các nhóm bệnh về tiêu hoá: hội chứng dạ dày - tá tràng, rối loạn tiêu hoá. Nguyên nhân chính là áp lực công việc, căng thẳng trong môi trường làm việc và thói quen ăn uống không hợp lý về giờ giấc, ít uống nước. Nhóm bệnh này, khi khởi phát, cần điều trị ngay, nếu không diễn tiến sau này có thể nặng nề: viêm loét dạ dày tá tràng, tiêu chảy mạn, suy dinh dưỡng...

 

Nhóm bệnh đường hô hấp: cảm cúm, viêm hô hấp trên, dưới. Nguyên nhân thường do sự phân phối mật độ nhân viên trong phòng làm việc chưa hợp lý (quá đông), không khí trong phòng bị ô nhiễm, chênh lệch nhiệt độ giữa phòng máy lạnh và bên ngoài quá lớn... Nhóm bệnh này thường diễn ra cấp tính, gây nhiều khó chịu, cần được điều trị sớm để cơ thể phục hồi và giảm khả năng lây lan trong môi trường làm việc.

 

Nhóm bệnh mạn tính không lây liên quan đến lối sống: thừa cân – béo phì, đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đột quỵ… Nguyên nhân chính là lối sống tĩnh tại (ngồi tại chỗ, ít vận động, đi lại), chế độ dinh dưỡng không hợp lý (chế độ ăn không đa dạng, hoặc dư năng lượng, nhiều béo ít rau, bỏ bữa ăn bù…) gây mất cân bằng về năng lượng ăn vào và năng lượng sử dụng, dẫn đến ứ đọng mỡ trong cơ thể gây rối loạn chuyển hoá. Thêm vào đó, hút thuốc lá, uống rượu bia, hoặc áp lực công việc gây nên sự căng thẳng thường xuyên, lâu ngày dẫn đến các rối loạn chuyển hoá. Nhóm bệnh này diễn tiến âm thầm nên khi phát hiện thường có biến chứng đi kèm. Hậu quả của nhóm bệnh lý này khá nặng nề: suy tim, thận, mù loà, tàn phế thậm chí tử vong!

 

Phòng được không?

 

Để khắc phục và phòng ngừa các chứng bệnh văn phòng, chúng ta cần có những hành động sau:

 

Xây dựng môi trường làm việc trong lành (trong khả năng của mình), sắp xếp lịch làm việc hợp lý, tránh để dồn làm tăng áp lực công việc lên mình.

 

Xây dựng lối sống năng động trong môi trường công việc: năng vận động tại chỗ hoặc đi lại (đi lấy đồ, photo tài liệu, lấy giấy in, nước… trong khu làm việc, đi cầu thang bộ thay cho thang máy khi phải lên xuống vài tầng lầu). Hạn chế ngồi liên tục hai giờ; ít nhất sau mỗi hai giờ nên tranh thủ đứng lên, đi lại, vận động tay chân 10 – 15 phút. Tranh thủ thời gian ăn trưa để ra ngoài tản bộ…

 

Lên lịch tập thể dục định kỳ, lựa chọn hình thức thể dục phù hợp với điều kiện sức khoẻ, thời gian và tính khả thi. Duy trì lịch tập luyện, tránh bỏ tập.

 

Hạn chế dần rồi từ bỏ những thói quen có hại: hút thuốc lá, uống rượu bia, ăn vặt, xem phim, chơi game…

 

Thiết lập chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học:

- Lựa chọn bữa ăn đa dạng nhưng cân đối và hợp lý với nhu cầu năng lượng của cơ thể.

- Hạn chế ăn các loại thực phẩm nhiều chất béo (dầu mỡ): thức ăn nhanh (fast–food), thức ăn dạng chiên xào;

- Nên chọn ăn thức ăn dạng hấp, luộc.

- Thay đổi thói quen ăn mặn, không dùng thêm nước chấm (nước mắm, nước tương) khi ăn.

- Tăng cường ăn thêm rau, củ, quả để tăng cường chất xơ cho cơ thể. Nếu bữa ăn trưa tại văn phòng ít rau, thì bữa chiều nên tranh thủ “ăn bù”. Ăn nhiều rau rất có lợi cho sức khoẻ vì ngoài tác dụng nhuận trường phòng chống táo bón (bệnh lý hay gặp ở giới văn phòng), cũng góp phần giúp giảm cân, phòng tránh được các bệnh mạn tính không lây.

- Nếu có thói quen ăn bữa phụ, thì nên chọn những loại thực phẩm như sữa tươi tách béo, trái cây ít ngọt, yaourt.

- Ăn đủ bữa, thu xếp thời gian cho bữa ăn sáng vì đây là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày, nó giúp cung cấp và tăng cường năng lượng cho cả một ngày làm việc và hoạt động dài.

- Tránh tình trạng bỏ bữa rồi ăn bù.

- Tránh tự ép mình vào một chế độ ăn kiêng không hợp lý để giảm cân mà không tham vấn chuyên gia dinh dưỡng vì dễ gây tình trạng thiếu hụt chất dinh dưỡng cho cơ thể như vitamin và muối khoáng.

 

Uống đủ nước để cơ thể duy trì được các hoạt động và giúp thanh lọc cơ thể. Mỗi ngày nên uống 1,5 - 2 lít, tuỳ thuộc thời tiết và mức độ vận động, công việc. Tập thói quen uống nước thường xuyên, tránh đợi đến khi có cảm giác khát hay khô miệng mới uống vì lúc đó cơ thể đã bị thiếu nước rồi.

 

Theo TS.BS Lê Nguyễn Trung Đức Sơn

Giảng viên thỉnh giảng đại học Y khoa

Phạm Ngọc Thạch, TPHCM/Sài Gòn tiếp thị