TPHCM:
“Phép màu” đến với hơn 60 bệnh nhân suy thận
(Dân trí) - Hơn 60 bệnh nhân bị suy thận mạn đã được cứu sống nhờ ghép thận thành công tại bệnh viện Nhân Dân 115. Sau 10 năm kể từ ngày được chuyên gia Bỉ hỗ trợ thực hiện ca ghép đầu tiên, đến nay bệnh viện đã làm chủ hoàn toàn kỹ thuật ghép thận.
Đang mang thai ở tháng thứ 6, đi kiểm tra sức khỏe tại bệnh viện Hùng Vương chị Hồng Thị Lan Thanh (40 tuổi) nhận được tin “sét đánh” khi bác sĩ kết luận chị bị suy thận nặng. Tinh thần, sức khỏe nhanh chóng suy sụp, đến tháng thứ 7 của thai kỳ bác sĩ buộc phải can thiệp mổ bắt con. Sau ca sinh mổ, sức khỏe chị Lan Thanh càng diễn biến theo chiều hướng xấu hơn.
Người mẹ buộc phải chuyển đến bệnh viện Nhân Dân 115 điều trị. “Khi đó, tôi rất bi quan. Tôi luôn nghĩ đến cái chết, nghĩ đến nỗi đau nếu phải lìa xa hai đứa con thơ của mình. Nhưng phép màu đã đến với tôi, nhờ được bác sĩ chăm sóc, điều trị tận tình, tôi dần bình phục. Với một bên thận được người thân hiến tặng, các bác sĩ bệnh viện Nhân Dân 115 đã thực hiện thành công ca phẫu thuật cho tôi. Cảm ơn những “thiên thần áo trắng” các bác đã sinh ra tôi lần thứ hai.”
“Phép màu” ấy đã đến với chị Lan Thanh cách đây hai năm về trước, tưởng như sự sống của chị đã sớm gắn liền với giường bệnh nhưng sự thành công từ ca ghép thận đã mang lại cho chị cuộc sống khỏe mạnh bình thường như bao nhiêu người khác. Cùng với chị hơn 60 bệnh nhân khác cũng được bệnh viện Nhân Dân 115 mang lại niềm vui, rất nhiều bệnh nhân khác đang chờ nguồn thận được hiến tặng để bước vào cuộc ghép với hy vọng thoát khỏi bệnh tật.
Tổng kết 10 năm hoạt động ghép thận, BS Phan Văn Báu, Giám đốc bệnh viện Nhân Dân 115 bày tỏ: “Chứng kiến cảnh bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính mỗi tuần 3 lần phải vào viện từ 3-4 giờ sáng để lọc máu hết năm này qua năm khác. Bệnh nhân nặng có điều kiện thì phải ra nước ngoài để ghép thận, bằng không thì sớm kết thúc sự sống. Tình thương và trách nhiệm của người thầy thuốc đã thôi thúc chúng tôi đặt quyết tâm phải thực hiện cho được kỹ thuật ghép thận”.
Sự quyết tâm đã biến thành hành động, khối Thận Niệu bao gồm 2 khoa Nội Thận – Miễn Dịch ghép và Ngoại Niệu – Ghép Thận, được xây dựng theo mô hình khép kín. Bệnh viện làm tốt từ khâu tầm soát, chẩn đoán bằng các xét nghiệm, cận lâm sàng hiện đại, sinh thiết Thận… điều trị nội khoa và Phẫu thuật được hầu hết các bệnh về Thận và liên quan tới Thận. Năm 2004 ca ghép thận đầu tiên với sự hỗ trợ của các chuyên gia đến từ Vương quốc Bỉ được thực hiện thành công mở ra hướng điều trị mới cho bệnh nhân suy thận tại bệnh viện Nhân Dân 115.
Đến nay, bệnh viện đã tiến hành phẫu thuật ghép thành công 61 ca suy thận mạn. Trong quá trình thực hiện, bệnh viện đã đầu tư được nguồn nhân lực có trình độ cao, bác sĩ vững tay nghề của các chuyên khoa đã phối hợp nhịp nhàng trong những ca ghép. Vì thế, từ năm 2010 đến nay, bệnh viện đã tự chủ mọi kỹ thuật trong ghép thận không còn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài.
Tuy nhiên, cũng như các bệnh viện khác trên cả nước thực hiện kỹ thuật ghép thận nói riêng và ghép tạng nói chung, bệnh viện 115 đang gặp không ít khó khăn về nguồn tạng để phục vụ cho các ca có nhu cầu ghép. Theo phân tích của GS.TS Trần Ngọc Sinh, Phó chủ tịch Hội Tiết niệu Thận học Việt Nam, chúng ta đã có luật về hiến ghép tạng nhưng thiếu tính khả thi khiến việc thực hiện gặp không ít khó khăn. Trung tâm điều phối quốc gia về hiến ghép tạng thành lập năm 2013 nhưng chưa thành mạng lưới thống nhất nên chưa tận dụng triệt để được nguồn tạng cho.
GS.TS Ngọc Sinh nhấn mạnh: “Hiện, người hiến tạng vừa cho đi một phần cơ thể nhưng đồng thời còn phải chi tiền cho các xét nghiệm và phẫu thuật cắt thận đó là điều bất hợp lý. Chính phủ cần sớm điều chỉnh và có cơ chế hợp lý hỗ trợ người hiến tạng để vừa chống tình trạng buôn bán tạng vừa khuyến khích hoạt động chia sẻ sự sống đầy tính nhân văn trong cộng đồng. Một số nước đã sử dụng nguồn quỹ từ Bảo hiểm Y tế để hỗ trợ người cho thận vì bệnh nhân được ghép thận thì chi phí bảo hiểm phải chi trả thấp hơn rất nhiều so với chi phí bệnh nhân phải chạy thận”.
Vân Sơn