Phẫu thuật bắc cầu mạch vành “sống” trên bệnh nhân ung thư
(Dân trí) - Nam bệnh nhân bị hẹp mạch vành trên cơ địa từng phẫu thuật điều trị ung thư và mắc nhiều bệnh lý nền. Các bác sĩ đã thực hiện thành công kỹ thuật bắc cầu nối mạch vành mà không cần ngừng tim.
Ngày 16/9, BS Nguyễn Kim Anh, Trưởng khoa Lồng ngực – Mạch máu, Bệnh viện quận Thủ Đức cho biết, tại đây vừa thực hiện thành công ca phẫu bắc cầu mạch vành không sử dụng máy tim phổi nhân tạo cho bệnh nhân nam 60 tuổi.
Bệnh nhân là ông L.H.V. nhập viện ngày 28/8 trong tình trạng đau thắt ngực khi gắng sức. Ông H.V. từng bị ung thư tụy đã phẫu thuật và hóa trị. Các kết quả xét nghiệm, thăm khám cho thấy, bệnh nhân bị đái tháo đường, tăng huyết áp.
Các bác sĩ đã tiến hành chụp động mạch vành và ghi nhận 3 nhánh động mạch vành của người bệnh đều bị hẹp nặng khiến các chức năng co bóp kém, nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng bệnh nhân.
Bác sĩ Kim Anh cho biết: “Tiền căn người bệnh từng phẫu thuật, điều trị ung thư tụy, bệnh lý ung thư đã được kiểm soát. Tuy nhiên, cơ địa của bệnh nhân ung thư, hệ miễn dịch suy giảm, bệnh nhân rất dễ rơi vào tình trạng suy kiệt hoặc đối mặt với các tai biến, biến chứng nguy hiểm trong và sau phẫu thuật, rối loạn đông máu, nhiễm trùng. Chúng tôi cần lựa chọn phương án tối ưu nhất để vừa điều trị được cho người bệnh vừa hạn chế tối đa các rủi ro có thể xảy ra”.
Sau hội chẩn, các bác sĩ đã quyết định tiến hành phẫu thuật bắc cầu động mạch chủ và động mạch vành bằng cách dùng vật liệu động mạch để làm cầu nối. Để tránh nguy cơ bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nguy hiểm phải đối mặt với các biến chứng, các bác sĩ đã quyết định thực hiện cuộc phẫu thuật bắc cầu mạch vành khi tim vẫn đập bình thường, không dùng máy tim phổi nhân tạo.
Ê kíp phẫu thuật đã lấy động mạch ngực trong bên trái và tĩnh mạch hiển lấy từ chân của bệnh nhân để bắc 2 cầu mạch vành khai thông vị trí bị hẹp. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã sử dụng một dụng cụ đặc biệt để cố định mạch vành của bệnh nhân.
Ca mổ kéo dài gần 4 giờ. Hiện bệnh nhân đang trong quá trình theo dõi hậu phẫu, các chỉ số sinh hiệu ổn định.
Phó giáo sư Nguyễn Văn Phan, Cố vấn chuyên môn Bệnh viện quận Thủ Đức cho biết: “Bệnh nhân H.V. hẹp 3 động mạch vành, mắc nhiều bệnh nền. Việc phẫu thuật không sử dụng máy tim phổi nhân tạo giúp rút ngắn thời gian mổ, giảm nguy cơ biến chứng so với phẫu thuật sử dụng hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể. Dự kiến, sau mổ từ 5 đến 7 ngày, bệnh nhân có thể xuất viện.”
Theo Phó giáo sư Nguyễn Văn Phan, trước đây các ca phẫu thuật mạch vành thường được sử dụng với sự hỗ trợ của máy tuần hoàn cơ thể và phải ngừng tim. Kỹ thuật này đòi hỏi phải đưa máu ra hệ thống ống dẫn bằng nhựa, tiếp xúc với không khí và màng trao đổi khí. Hơn nữa để bảo vệ cơ tim trong lúc tim ngừng đập, phẫu thuật viên phải bơm dịch liệt tim, kẹp lại động mạch chủ, tỷ lệ biến chứng và tử vong sau khi mổ cao.
Phẫu thuật mạch vành không sử dụng máy tim phổi nhân tạo sẽ giúp giảm đáng kể tỷ lệ các biến chứng thần kinh, viêm phổi, suy thận, suy tim, rối loạn đông máu sau mổ, rút ngắn thời gian nằm hồi sức, giảm tỷ lệ tử vong và giảm chi phí điều trị. Đây là một trong những phẫu thuật đỉnh cao đã triển khai tại các trung tâm lớn về mổ tim của Việt Nam và thế giới.