Phát hiện tài liệu quý - Cơ sở bài thuốc Minh Mạng thang trứ danh
(Dân trí) - Ngày 13/4, Lương y Phan Tấn Tô, Phó Chủ tịch thường trực Hội Đông y tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết ông và các đồng nghiệp đã tìm thấy 1 tài liệu có thể xem là cơ sở cho bài thuốc Minh Mạng thang nổi tiếng cố đô Huế và cả nước.
Tìm ra “của báu”
Hội Đông y Thừa Thiên - Huế đã chủ trì thực hiện đề tài khoa học “Sưu tầm, biên dịch và đề xuất hướng sử dụng các bài thuốc của Thái y viện triều Nguyễn” từ 2010 - 2015. Trong lúc thực hiện đề tài này, ông Phan Tấn Tô cùng với các đồng nghiệp thuộc Hội Đông y tỉnh đã đến các thư viện, trung tâm lưu trữ quốc gia ở TPHCM, Đà Lạt và Hà Nội để sưu tập tài liệu.
Vào năm 2012, khi đến Trung tâm lưu trữ quốc gia 1 (Hà Nội), Hội Đông y đã tìm thấy hơn 300 trang châu bản gốc in màu về các bài thuốc của Thái y viện triều Nguyễn. Trong đó có châu phê (chữ của nhà vua), chữ ký của các vị ngự y dâng thuốc, đóng dấu Thái y viện, dấu Ngự tiền chi bảo và dấu Cơ mật viện.
Lương y Phan Tấn Tô bên những tờ châu bản (bản scan màu) quý - cơ sở về nguồn gốc Minh Mạng thang
Điều đặc biệt trong số này, ông Tô đã tìm thấy tờ châu bản có đơn thuốc gia giảm Quy tỳ hoàn do Thái y viện triều Nguyễn kê đơn cho vua Minh Mạng dùng vào 26 tháng 12 năm Minh Mạng thứ 10 (1829).
Nội dung của tờ châu bản này như do Phan Lang dịch và giới thiệu như sau: “Chúng thần (ở) Thái y viện quỳ xuống tâu rằng: vâng nghe mệnh lệnh (bệ hạ) qua lời truyền của (quan) nội giám Nguyễn Ân. (Bệ hạ) thánh thể khoan thai hòa nhã, ăn uống bình thường, chỉ có hơi mệt, ít ngủ. Chỉ dụ cho chúng thần điều chế thuốc bổ dâng tiến. Kính xin tuân lệnh.
Chúng thần cùng hội ý phỏng theo lý (qua tiết đông chí) nhất dương sinh, mộc vận (khí tiết mùa xuân) bắt đầu vận hành, can hỏa dần dần vượng, phần âm hỏa của tạng tỳ sung mãn, nên dẫn đến các chứng đã nói. Căn cứ theo lý đó, nên dùng phép bình bổ, tư âm để phối dương, sẽ giữ an ổn cho mọi sự.
Chúng thần xin cho dùng đơn thuốc gia giảm Quy tỳ hoàn bỏ vị Mộc hương để chủ bổ tâm tì, vững tinh thần, yên giấc ngủ; gia thêm lộc nhung, thục địa để tư bổ phần âm. Dược vị cụ thể trong đơn thuốc xin tâu như sau:
Tễ thuốc gia giảm quy tỳ hoàn, trọng lượng tịnh 12 lạng 5 tiền (thành phần có): Cao ly sâm 1 lạng, Bạch truật 1 lạng, Phục thần 1 lạng, Toan táo 1 lạng, Viễn chí 3 tiền, Quy thân 1 lạng, Hoàng kỳ 7 tiền rưỡi, Long nhãn 7 tiền rưỡi, Chích cam thảo 1 tiền, Chích thục địa 1 lạng, Lộc nhung 1 lạng.
Mười một vị trên đây cùng tán mịn, luyện mật làm hoàn cỡ như hạt đậu xanh, mỗi ngày sáng chiều trước bữa ăn tiến dâng 3 tiền, uống với nước sôi nguội.
(Chú thích: 1 lạng = 10 tiền (chỉ, đồng cân) = 37 gr).
4 tờ châu bản về gia giảm Quy tỳ hoàn mà Thái y viện dâng lên cho vua Minh Mạng năm 1829
Dưới tờ châu bản này có đóng ấn Ngự tiền chi bảo của Vua Minh Mạng, có châu phê của chính vua Minh Mạng, có 9 ngự y của Thái y viện ký mà đứng đầu là ngự y Nguyễn Tăng Long, và ký đóng dấu kiểm thị (kiểm tra lại) của Thái y viện.
Theo lương y Phan Tấn Tô, khi tìm thấy tờ châu bản, cá nhân ông và đồng nghiệp đã quá mừng rỡ vì qua nhiều quá trình nghiên cứu về Minh Mạng thang (thang thuốc của vua Minh Mạng dùng cho vua tăng cường sinh thể lực), hoàn toàn các tài liệu chỉ là tương truyền từ một số nguồn dân gian hay trong các nhà có nguồn gốc ông cha là ngự y thuộc Thái y viện triều Nguyễn.
“Việc lần đầu tiên có một châu bản, xem như một văn bản có đầy đủ tính pháp lý của một cơ quan chuyên về sức khỏe thời Nguyễn. Điều này đã mở ra một hướng nghiên cứu mới với đầy đủ tính chân xác của khoa học. Ví như tìm được “của báu” và gần như một nửa gốc gác của thang thuốc Minh Mạng huyện thoại đã hé lộ”, lương y Tô vui mừng trao đổi.
Tờ văn bản được đóng dấu của triều đình, trên góc trái có dấu tròn và châu phê của vua Minh Mạng, nội dung là chữ "lãm" (nghĩa là vua đã xem và đồng ý)
Phân tích cụ thể tờ châu bản liên quan đến Minh Mạng thang
Lương y Phan Tấn Tô phân tích vì sao tờ châu bản trên lại gần như là một nửa gốc gác của Minh Mạng thang. Trước đây, qua phân tích, nghiên cứu nhiều bài “Minh Mạng thang” từ nhiều nguồn, ông thấy phần lớn đều có nguồn gốc từ 2 bài thuốc cổ là Độc hoạt ký sinh thang (trong bộ sách Bị cấp Thiên kim yếu phương của Tôn Tư Mạo (601 - 682), sống vào đời Đường (Trung Quốc) biên soạn giữa thế kỷ thứ 7 và Quy tỳ thang từ sách Tế sinh phương (1253) của Nghiêm Dụng Hòa, đời Tống (Trung Quốc), làm nòng cốt rồi gia giảm.
Độc hoạt ký sinh thang thường dùng trong khi người bị đau lưng, mỏi cốt, nhức mỏi toàn thân - tức chữa về thể chất. Còn Quy tỳ thang dùng cho người bị ăn không được, ngủ không được, lo sợ, hồi hộp, di tinh, mộng tinh - tức về chữa tinh thần. Cả hai đều liên quan đến vấn đề “Thận” (tức quả thận) và “Tâm” (tâm lý). Tùy theo người bị đau gì mà gia giảm cho phù hợp.
Ở tờ châu bản trên, việc dùng Quy tỳ hoàn, tức thuốc dạng viên để vua uống tương đồng với nhiều bài thuốc ở dạng xuất phát thứ hai là Quy tỳ thang. Xem các loại trong bài thuốc mà Thái y viện dâng vua thấy có nhiều vị rất bổ như lộc nhung là sừng hươu đang mềm có tác dụng bổ máu, sâm cao ly thì quá tốt cho sinh lực, thể lực.
Nội dung của việc tấu trình bài thuốc giúp vua Minh Mạng đỡ mệt và ngủ ngon
“Tiếp đến, chúng tôi cũng đã từng có 1 tài liệu về Ngự y Nguyễn Địch khi viết Vân khê yếu lục năm 1885 thời vua Hàm Nghi (sau đời vua Minh Mạng tại Huế - PV), trong phần “Tự dục” tức làm chuyện sinh hoạt vợ chồng để có con, ngự y Địch có viết các bài thuốc chữa bệnh Dương nuy (liệt dương, rối loạn cương dương ở nam giới, lo sợ mà liệt dương).
Nội dung là ngự y này đã nói chữa khỏi bệnh ở một người đàn ông sau khi cưới vợ về. Do người kia lo sợ nên bị rối loạn cương dương, liệt dương. Ngự y đã cho ông uống 1 tể thuốc Quy tỳ thì khỏi, sau đó có con với vợ.
Qua so sánh thành phần bài thuốc này thì thấy giống các vị ở bài gia giảm Quy tỳ thang mà Thái y viện dâng vua Minh Mạng năm 1829 như ở tờ châu bản. Chứng tỏ tờ châu bản là một căn cứ quan trọng để làm bài thuốc tăng cường sinh lực cho đàn ông mà ở đây là vua Minh Mạng - gười vua có nhiều con nhất triều Nguyễn tại Huế với 142 con; sau đó đã được lưu truyền cho các đời sau nhằm giúp cho đàn ông”, lương y Tô khẳng định.
Ảnh chân dung vua Minh Mạng (1820-1840). Vua là người vua có vóc dáng, tướng mạo to lớn nhất trong các vị vua triều Nguyễn tại Huế (1802-1945_
Lương y Tô cho biết thêm, việc mọi người cứ lầm tưởng Minh Mạng thang là rượu dành cho vua uống là một điều sai lầm và chưa đầy đủ. Cụ thể, từ Minh Mạng thang dịch ra nghĩa là thang thuốc dành cho vua. Nó có nhiều dạng như hoàn (viên), tán (bột), thang (nước), thuốc rượu. Việc dùng thuốc viên (tức hoàn) có tác dụng bổ lâu dài, hiệu quá lâu vì khi uống thuốc sẽ thấm lâu hơn trong cơ thể. Còn nếu uống như thang hay thuốc rượu thì sẽ có hiệu quả chỉ từng ngày. Lúc xưa cũng có Mỵ dược tức như thuốc kích dục hiện nay với các dạng thoa, bôi, uống và Bổ dược tức Minh Mạng thang. Nhưng các ngự y đều khuyến nghị nhà vua nên dùng bổ dược để có tác dụng bền vững, lâu dài.
PV đã đặt câu hỏi, liệu có còn thêm một số tài liệu về Minh Mạng thang ở các châu bản chưa được tìm ra nội dung hay không? Lương y Phan Tấn Tô cho biết, vì còn khoảng 1.000 trang châu bản Hán Nôm triều Nguyễn chưa được dịch ra tiếng Việt, nếu các cơ quan chức năng lưu tâm, chú ý thì nên cần dịch thì sẽ ra thêm nhiều vấn đề hay về thang thuốc Minh Mạng cũng như các vấn đề y học cổ thú vị khác.
Chữ ký tên của 9 ngự y của Thái y viện dâng thuốc cho vua Minh Mạng
Minh Mạng thang thường được nhiều người, các hướng dẫn viên hay khách du lịch nghe được khi đến Huế - nói chủ yếu là về rượu Minh Mạng hoặc các vị để ngâm rượu uống nhằm “cường dương bổ thận”. Tương truyền vì vua có đến 142 người con (78 hoàng tử và 64 công chúa) nên vua rất mạnh. Ngoài thể chất tự nhiên ra, vua còn được các quan ngự y cho uống rượu để “tăng lực”, nên mỗi đêm vua có thể “sinh hoạt” với nhiều người đẹp trong cung. Câu nói “nhất dạ lục giao sinh ngũ tử” tức một đêm vua Minh Mạng “sinh hoạt” với 6 bà trong đó 5 bà có con, có nguồn gốc do vua uống rượu bổ. Loại rượu tương truyền đó sau này là Minh Mạng thang mà nhiều cơ sở du lịch Huế bán, nhưng nguồn gốc chỉ là tương truyền, truyền miệng chứ không phải dựa vào một văn bản chính thống có tính khoa học cao từ đời vua Minh Mạng truyền lại – cho đến lúc lương y Phan Tấn Tô và các đồng nghiệp Hội Đông y tỉnh Thừa Thiên Huế tìm ra như trên. |
Đại Dương